Béo phì ở trẻ em là một căn bệnh đang ngày càng phổ biến trên thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ em béo phì tại Việt Nam cũng đang ngày một tăng cao.

Béo phì ở trẻ em khiến chúng có thể gặp các vấn đề sức khỏe vốn được coi là vấn đề của người lớn như đái tháo đường, huyết áp cao và cholesterol cao.

Nhiều trẻ béo phì trở thành người lớn béo phì, đặc biệt nếu một hoặc cả hai cha mẹ đều béo phì. Béo phì ở trẻ em cũng có thể dẫn đến sự tự ti, mặc cảm ở trẻ.

Thế nào được gọi là béo phì?

Béo phì đang ngày càng gia tăng ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ có cân nặng cơ thể cao hơn số cân trung bình so với chiều cao và tuổi từ 20% trở lên, có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm thì phải nghĩ ngay tới tình trạng béo phì ở trẻ.

Có hai cách để xác định trẻ thừa cân hay béo phì: Quan sát trẻ thấy thân hình to béo một cách không bình thường so với lứa tuổi (đi lại nặng nề khó coi….) và dùng cân đo để xác định trẻ thừa cân hay béo phì.

Nếu trẻ có chiều cao đạt mức chuẩn bình thường mà cân nặng vượt mức bình thường 25% thì trẻ đó đã bị thừa cân và có nguy cơ béo phì. Nếu trẻ có số cân nặng vượt mức bình thường 50% thì chắc chắn trẻ đó đã bị bệnh béo phì.

Nguyên nhân gây nên béo phì

Lối sống

Sống tĩnh tại, ít tập thể dục hiện nay chính là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời, trẻ em bị cuốn hút bởi những trò chơi điện tử, lướt web hay cập nhật mạng xã hội. Việc không tập thể dục nhiều khiến trẻ em không có cơ hội để đốt cháy nhiều calo dẫn tới tăng cân nặng.

Chế độ ăn

Việc hấp thụ nhiều calo từ thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là đồ ăn nhanh, đồ nướng và đồ ăn sẵn là những tác nhân chính gây bệnh béo phì ở trẻ em. Kẹo và món tráng miệng cũng có thể gây tăng cân và ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh đồ uống có đường (bao gồm nước ép trái cây) là thủ phạm gây béo phì ở một số người.

Thức ăn nhanh là một trong những nhân tố gây béo phì ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Yếu tố gia đình

Bệnh béo phì có yếu tố di truyền. Nếu các thành viên trong gia đình trẻ bị thừa cân, 

trẻ có thể có nhiều khả năng tăng cân.

Yếu tố tâm lý

Căng thẳng cá nhân, cha mẹ và gia đình có thể làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ. Một số trẻ ăn quá nhiều để đối phó với các vấn đề này hoặc để đối phó với cảm xúc, chẳng hạn như căng thẳng hoặc chống lại sự buồn chán.

Chính vì vậy, một trong những chiến lược tốt nhất để giảm béo phì ở trẻ em là cải thiện thói quen ăn uống và tập thể dục của cả gia đình bạn. Điều trị và ngăn ngừa béo phì ở trẻ em sec giúp bảo vệ sức khỏe của con bạn hiện tại và trong tương lai.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội