Căn bệnh khó nói của phụ nữ sinh nhiều con
Có bệnh mà giấu
Bệnh nhân L.T.O, 53 tuổi, ngụ tại TP.HCM, từng có 3 lần sinh con qua ngả âm đạo. Nửa năm nay, bà O. thấy rất khó chịu vùng hội âm (vùng nằm giữa hậu môn và phần ngoài bộ phận sinh dục), thường bị són tiểu kèm tiểu khó, tiểu gấp nhưng ngại ngùng không đi khám.Đầu tháng 11, thấy không thể chịu được nữa, người bệnh mới “liều mình” đến gặp bác sĩ.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bà O. bị sa thành trước âm đạo (sa bàng quang) độ III, sa tử cung độ II, sa thành sau âm đạo (kiểu túi sa trực tràng) độ I. Tình trạng sa của bệnh nhân được cho là khá nghiêm trọng. Các bác sĩ sau đó đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh bằng cách nâng đỡ thành trước âm đạo bằng mesh (dung lưới 4 nhánh) để sửa chữa sa bàng quang, đồng thời khâu cố định cổ tử cung vào dây chằng cùng gai để sửa chữa sa tử cung. Một tháng sau phẫu thuật, bà O. mới hết khó chịu do khối sa chèn ép, không còn bị rối loạn chức năng tiểu, mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường.
Cũng ngại ngùng, chị T.T.L 42 tuổi, nhà ở Tiền Giang đến bệnh viện chịu đựng cảnh sa nghiêm trọng vùng kín gần 4 năm. Giữa tháng 10/2019, khi không chịu đựng được cảnh rối loạn chức năng tiểu và tình dục, người bệnh mới đến bệnh viện để được các bác sĩ khám.
Trường hợp của bà O. chỉ là một trong số rất nhiều nữ bệnh nhân bị sa tạng chậu đến khám khi bệnh trạng đã nghiêm trọng. Hầu hết bệnh nhân là phụ nữ lớn tuổi và sinh nở nhiều lần.
Trong y khoa, sa tạng chậu là cụm từ để chỉ các bệnh lý liên quan tới tình trạng sa các cơ quan vùng đáy chậu, chủ yếu là qua âm đạo ở nữ giới. Đây là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn đường tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục, mất thẩm mỹ vùng âm đạo gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Tại Việt Nam hiện có nhiều phương pháp tiên tiến đã được áp dụng trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu
“Nguyên nhân của sa tạng chậu chủ yếu do phụ nữ mang thai và sinh nở nhiều lần. Bên cạnh đó, tình trạng suy yếu, nhão cơ sàn chậu do mãn kinh, lớn tuổi, dinh dưỡng kém cũng góp phần gây ra sa tạng chậu.
Nguyên nhân quan trọng khác là rối loạn chức năng của các cơ quan đáy chậu như tắc đường tiểu dưới, táo bón… Các triệu chứng điển hình của bệnh thường là đau vùng âm đạo, đau lưng dưới, tiểu không kiểm soát, tiểu khó, đi tiêu khó… Theo thời gian, diễn tiến bệnh thường sẽ ngày càng nặng hơn khiến người bệnh đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Sa tạng chậu có thể một hay nhiều cơ quan đáy chậu có thể cùng bị sa và sa ở nhiều mức độ khác nhau. Nhìn chung, ở mức độ nhẹ có thể điều trị bảo tồn và tập vật lý trị liệu sàn chậu. Nếu ở mức độ nặng, người bệnh cần được phẫu thuật.
40% phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh
Theo một nghiên cứu trên 27.342 phụ nữ lớn tuổi ở Mỹ, trong 16.616 người còn tử cung có 14,2% người bị sa tử cung, 34,2% người bị sa bàng quang và 18,6% người bị sa trực tràng. Riêng trong 10.727 người đã cắt tử cung, tỷ lệ sa bàng quang là 32,9%, sa trực tràng là 18,3%. Thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, nhận định bệnh lý ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi trên 50. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên.
Bệnh lý sa tạng chậu chia làm 3 nhóm: sa khoang trước (gồm sa niệu đạo và bàng quang), sa khoang giữa (sa tử cung hay mỏm cụt âm đạo nếu đã cắt tử cung) và sa khoang sau (túi sa trực tràng, sa trực tràng). Nguyên nhân gây ra tình trạng này xuất phát từ sự tổn thương, suy yếu các cấu trúc cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu.
Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh sẽ bị són tiểu (tiểu không kiểm soát) làm hạn chế giao tiếp xã hội. Khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng, tình trạng sa ra ngoài âm đạo sẽ gây viêm nhiễm thành âm đạo và cổ tử cung, khó đi tiểu, khó đi cầu, nhiều trường hợp gây chèn ép niệu quản gây thận ứ nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, đến sinh hoạt vợ chồng và giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày.
Tại Việt Nam hiện có nhiều phương pháp tiên tiến đã được áp dụng trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu, đem lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh như phẫu thuật điều trị tiểu không kiểm soát gắng sức ở phụ nữ, phẫu thuật điều trị sa bàng quang, sa tử cung ngả hội âm (dùng mesh 4 nhánh, mesh 6 nhánh, các biện pháp khâu cố định vào dây chằng cùng gai: mổ ngỏ, dùng kim xuyên thích hoặc dùng I-stitch …), các phẫu thuật điều trị sa sinh dục bằng nội soi ổ bụng…
Người phụ nữ biết mình mắc các bệnh về sa tạng chậu thường có tâm lý mặc cảm, ngại ngần dẫn đến việc tự chịu đựng, không chủ động thăm khám khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày càng nhiều phương pháp đã được chứng minh về tính hiệu quả trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu. Do đó, ngay khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.
Sa tạng làm hỏng nhiều chức năng
Đường tiểu: Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng; không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu; tiểu đêm > 1 lần; tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt > 8 lần/ngày; tiểu khó phải rặn; cảm giác đi tiểu không hết.
Đi tiêu: Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy; không giữ được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu; táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống.
Đường sinh dục: Sa tử cung; sa bàng quang và sa trực tràng, ruột.
Rối loạn tình dục: Giao hợp đau; giảm cảm giác; cảm giác cửa mình rộng.
Đau vùng chậu mãn tính: Đau vùng thắt lưng chậu; đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình.
Theo Viện Sức khỏe phụ nữ, tỷ lệ tổng quát của sa tạng chậu khoảng 41%. Hầu hết bệnh nhân đều bị bệnh lý gây ảnh hưởng đến chức năng tình dục và có khoảng 11% phải trải qua phẫu thuật điều trị.
Một nghiên cứu năm 2017 tại BV. Hùng Vương (TP.HCM) thống kê trên gần 300 bệnh nhân sa tạng chậu cho thấy khoảng 90% bệnh nhân bị rối loạn chức năng tình dục, trong đó người bị sa tạng chậu độ III có nguy cơ rối loạn chức năng sinh lý cao gấp 8 lần người bình thường và cao gấp 4 lần người bị sa tạng chậu cấp độ II.
PHƯƠNG NGHI
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.