Căn bệnh có thể gây tàn phế từ người trẻ đến người già
Gãy xương mới biết bị loãng xương - đó là tình trạng của bà K.A (65 tuổi) ngụ tại TP.HCM. Bà K.A. nhập viện vì đau vùng cột sống thắt lưng mức độ nặng. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tiến hành chụp X-quang cột sống thắt lưng và đo mật độ xương.
Kết quả cho thấy, bà K.A bị gãy lún đốt sống thắt lưng do loãng xương. Bên cạnh việc điều trị thuốc, bệnh nhân phải phối hợp tập phục hồi chức năng vận động để đi lại, sinh hoạt tốt hơn.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tại Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị loãng xương như bà K.A. Con số này trên thế giới là khoảng 500 triệu người. Những con số này được dự báo sẽ tăng cao trong khoảng thời gian tới và để lại nhiều gánh nặng cho chăm sóc và điều trị.
Bác sĩ Thanh Ngọc cho hay, loãng xương là kết quả từ sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình hủy xương, trong đó hủy xương chiếm ưu thế.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc cho biết, loãng xương có 2 nhóm: nguyên phát và thứ phát. Loãng xương nguyên phát là những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính. Loãng xương thứ phát do bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận,…), thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay té ngã),...
Đây là căn bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng đặc trưng. Khi mật độ xương giảm nặng sẽ gây ra những cơn đau dai dẳng, các biến chứng như biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống, các thay đổi như giảm chiều cao, gù,… Điều đáng nói là, có khoảng 80% người bệnh vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Châu Tuấn, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, gãy xương do loãng xương thường xuất hiện ở các vị trí xương xốp và chịu lực như xương cột sống, xương vùng hông và xương cẳng tay.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau mãn tính, gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây phụ thuộc và làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, trước đây, nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Tuy nhiên ngày nay, căn bệnh đã “phủ sóng” đến những người trẻ. Loãng xương ở người trẻ thường là loãng xương thứ phát.
Cụ thể, người trẻ bị loãng xương do bệnh lý nội tiết, thận mạn tính, những bệnh mạn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…; các bạn nữ thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng.
“Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương”, bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ khuyến cáo, một số đối tượng cần tiến hành đo mật độ xương sớm để tầm soát và đánh giá loãng xương. Cụ thể như: phụ nữ trên 65 tuổi hoặc nam giới trên 70 tuổi, nữ giới mãn kinh, nam giới từ 50 – 69 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương, người trên 50 tuổi từng bị gãy xương...
Trong quá trình điều trị, người bệnh được kết hợp dùng thuốc và thực hành vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bổ sung dinh dưỡng... Ngoài ra, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì thói quen vận động cơ thể để tăng sức bền, khả năng giữ thăng bằng và tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.
TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, những tuần gần đây...
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...