Theo Giáo sư Đào Văn Long - nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc trào ngược dạ dày thực quản và nhiều trường hợp biến chứng từ bệnh lý này do tâm lý chủ quan.

Trào ngược là hiện tượng thức ăn và dịch vị từ dạ dày đi lên thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu ở vùng thực quản, thượng vị. Một số trường hợp còn có biểu hiện như bệnh tim nên đến khám chuyên khoa tim.

Để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân kèm theo thay đổi lối sống ăn uống. Bác sĩ Long cho biết, tỷ lệ tái phát cao do người bệnh khó tuân thủ phác đồ của bác sĩ.

Nếu có hiện tượng ợ nóng hay khó chịu, người bệnh có thể chọn thực phẩm đầu tiên là bánh mì. Ngoài ra, khi ngủ, người bệnh nên chọn tư thế nằm nghiêng sang trái để thực quản luôn ở vị trí cao hơn dạ dày và tuyến tuỵ ngăn ngừa cơn trào ngược. 

Nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: BVCC. 

Trào ngược dạ dày không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà lâu dài dẫn tới viêm loét thực quản, baret thực quản (tiền ung thư), ung thư thực quản.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có triệu chứng ợ nóng. Trẻ nhỏ có dấu hiệu nôn ói, chán ăn, thậm chí viêm phổi, phế quản do hít phải thức ăn kéo dài.

Hiện nay, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có xu hướng gia tăng, điều trị khó khăn, cần thay đổi chế độ ăn, lối sống, tuân thủ dùng thuốc. Theo ước tính có tới 40-70% bệnh nhân tái phát khi ngừng uống thuốc. Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần theo dõi và tầm soát ung thư theo đúng chỉ định của bác sĩ. 

Bác sĩ Thành khuyến cáo những thực phẩm cần tránh như:

Thực phẩm chiên rán 

Các loại thực phẩm chiên rán giàu chất béo khiến cơ thắt dưới thực quản giãn ra, cho phép nhiều axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Ngoài ra, những thực phẩm này làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày, gây ra trào ngược dạ dày thực quản.

Trái cây họ cam quýt

Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng một số loại làm gia tăng triệu chứng trào ngược thực quản. Người bị bệnh này cần tránh xa các quả có múi như cam, quýt, bưởi chanh.

Cà chua

Đây là loại quả có thể nấu chín, ăn sống được coi là trái cây vàng trong phòng chống nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần tránh xa loại thực phẩm này. Cà chua có hàm lượng axit cao, gây kích ứng đối với những người bị chứng ợ nóng hoặc trào ngược. Ăn cà chua có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng, dịch vị có tính axit tiếp xúc với thực quản.

Gia vị cay nóng

Bệnh nhân cần loại ngay các gia vị có tính nóng như mù tạt, ớt, hạt tiêu vì làm tăng co thắt thực quản dưới, tăng mức độ nghiêm trọng triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. 

Cà phê

Cà phê tốt cho sức khỏe nhưng là nguyên nhân gây triệu chứng ợ nóng, ảnh hưởng tới lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản.

Sữa

Sữa giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều khoáng chất và vitamin nhưng người bị trào ngược dạ dày thực quản uống sữa nhất là khi đói có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit hơn. Vì vậy, người bệnh hạn chế dùng sữa hoặc chỉ dùng sữa ít chất béo.

Phô mai

Quá trình lên men khiến phô mai kích thích niêm mạc thực quản. Người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này. Nếu ăn, nên chọn phô mai tách béo.

Nước ngọt có ga

Khi sử dụng nước ngọt có ga, khí ga vào dạ dày gia tăng áp lực, gây ra hiện tượng trào ngược.