Sáng 19-3, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM cho biết vừa cứu kịp người đàn ông bị đột quỵ lần 2 nặng do không phát hiện lần đột quỵ trước đó để phòng ngừa.

Bệnh nhân là ông N.V.T (71 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM), nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên trái, liệt mặt bên trái, nói đớ, tăng huyết áp- các triệu chứng khởi phát trước khi nhập viện 1 giờ 30 phút.

Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp cắt lớp sọ não xác định bệnh nhân bị nhồi máu não vùng cầu não, tắc hoàn toàn động mạch thân nền đoạn 1/3 giữa, có nhồi máu não cũ vùng đầu nhân đuôi bên trái, hẹp trên 90% tại gốc động mạch đốt sống bên trái.

 

Người đàn ông đang sạc điện thoại đột quỵ trước mặt người nhà

Bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu nhỏ xung quanh và làm mềm cục huyết khối đang gây tắc động mạch thân nền. Với cục huyết khối, bắt buộc phải được lấy ra bằng dụng cụ cơ học nhưng gốc động mạch đốt sống bị hẹp trên 90% là một trở ngại vì không thể đưa dụng cụ vào để lấy huyết khối.

Các bác sĩ phải đặt stent Optimax tái thông động mạch đốt sống để mở đường luồn dụng cụ lấy huyết khối, tái thông động mạch thân nền. May mắn được can thiệp điều trị sớm nên bệnh nhân phục hồi tốt, không phải chịu di chứng nào.

Theo BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng Bệnh viện Gia An 115, bệnh nhân này có vết nhồi máu não cũ, nghĩa là đã từng bị đột quỵ mà không biết. Nhiều trường hợp bệnh nhân không hề hay biết mình đã từng bị tai biến nhồi máu não do nhồi máu nhẹ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh chủ quan bỏ qua.

"Nếu người bệnh không biết và/hoặc không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát thì khả năng xảy ra tái phát đột quỵ rất cao. Khi tái phát đột quỵ lần 2, lần 3… hậu quả có thể nặng nề hơn, khả năng phục hồi thấp hơn, chi phí điều trị cũng tăng lên so với đột quỵ lần đầu", BS Hậu khuyến cáo.

NGUYỄN THẠNH