“Anh sẽ không bỏ rơi, dù em bị khuyết một bên ngực”

Nhiều người đã rớt nước mắt khi nhìn cách anh Phạm Trung Tâm ân cần chăm vợ bệnh. Anh Tâm là chỗ dựa tinh thần, là một trong những động lực lớn để vợ anh – nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư vú.

Chị Bào bắt đầu phát hiện ung thư vú từ cách đây 7 năm trước, thể bộ 3 âm tính. Năm đó, chị tình cờ phát hiện ngực phải có một vết gì đó màu hồng. Chị chỉ nghĩ nó là dị ứng thông thường nhưng nghe lời chồng, chị quyết định đi khám.

Sau một tiến trình xét nghiệm, nghe các bác sĩ ở viện K kết luận “tin dữ” chị bị ung thư vú phải giai đoạn hai và có tới gần hai mươi hạch di căn, chị cảm giác trời đất quay cuồng. Mọi thứ sụp đổ hoàn toàn, công việc, sự nghiệp, sức khỏe và con thì còn quá nhỏ.

Hiện chị Cẩm Bào đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: FBNV

Lúc đó, anh Tâm đang công tác trong Đà Nẵng. Nhận tin dữ, anh vội bay ra Hà Nội ngay lập tức. Anh nghĩ “thế là cầm chắc cái chết”.

Với cái đầu tỉnh táo của một người làm báo, chị Bào trấn tĩnh lại. Chị cho rằng: “Một cơ thể muốn khỏe mạnh thì cần phải cắt bỏ những khối ung nhọt đang hủy hoại cơ thể, cho dù đó là việc làm vô cùng đau đớn”.

Đầu tháng 1/2013, chị nhập viện, phẫu thuật cắt toàn bộ ngực trái, truyền 6 đợt hoá chất và 25 mũi xạ trị. Mỗi đợt hoá chất cách nhau 21 ngày.

Chị Bào trở về nhà sau nửa năm điều trị với một bên ngực bị khuyết, anh Tâm đã kéo chị lại bằng tình yêu và sự thấu hiểu. Ảnh: Thu Hà

Ung thư không chỉ khiến chị bị cắt đi phần quyến rũ nhất trên cơ thể mà còn hành hạ chị bởi những đợt hóa chất. Nó khiến chị bị lở mồm long móng, nôn mửa, tiêu chảy triền miên.

Sau nửa năm điều trị, chị được trở về nhà với cái đầu trọc lóc và một bên ngực bị khuyết. Cơ thể “mới” này khiến chị hụt hẫng.

Còn anh thì một mực bảo: “Anh sẽ không bỏ rơi, cho dù em có phải cắt một bên ngực hoặc như một số bệnh nhân phải cưa đi một cánh tay. Không vì cơ thể này mà anh thay đổi tình yêu dành cho em. Anh sẽ luôn ở bên cạnh em, cùng em chiến đấu. Em cứ yên tâm trị bệnh”.

“Không muốn con gái phải tìm mẹ trên trời xanh”

Chính tình yêu, sự quan tâm chăm sóc tỉ mỉ của anh đã kéo chị lại. Trong tâm trí chị Cẩm Bào luôn khắc sâu hình ảnh người chồng tất tả tay xách cặp lồng thức ăn, tay ôm đồ đạc chạy tới chạy lui chăm vợ, chăm con.

Từ một người đàn ông không bao giờ phải đụng tay vào việc nhà, anh Tâm sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, tắm táp, giặt giũ, cơm nước, chăm con, vệ sinh cho vợ từ a-z. 

Cảm phục tình yêu, sự tận tụy của anh Tâm dành cho vợ trong suốt ngần ấy năm chị mắc bệnh. Ảnh: Cao Sỹ Huy

Nằm một chỗ, nhận được sự yêu thương vô bờ bến của anh và đứa con gái nhỏ bé đã khiến chị không cho phép mình bỏ cuộc kể cả trong lúc yếu lòng nhất.

Thế nhưng trò đùa số phận vẫn thử thách tình yêu, nghị lực của gia đình nhỏ thêm lần nữa: ung thư vú tái phát lần hai di căn xương chậu. Lần này, chị Bào bị liệt nửa người, ăn nằm một chỗ, phải dùng đến xe lăn và gia đình từng chuẩn bị hậu sự cho chị.

Chiếc vòng tay này đã có lúc chị giằng ra trong cơn đau đớn. Ảnh: Thu Hà
Chị Bào cố gắng từng ngày vì "không muốn con gái phải tìm mẹ trên trời xanh". Ảnh: FBNV

Vậy mà bằng nghị lực và sự tuân thủ điều trị, kỳ tích đã đến. Trong rất nhiều cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Bào ứa nước mắt khi nhắc đến con gái.

Chị bảo chị phải cố gắng thật nhiều, không cho phép mình bỏ cuộc vì “không muốn mỗi buổi chiều con gái đi học về phải ngước mắt lên trời xanh tìm mẹ”. Ung thư như một lời nhắc nhở cả gia đình trân quý sự sống nhiều hơn.

Chị tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện dành cho bệnh nhân ung thư xuất phát từ tấm lòng yêu thương với người đồng bệnh. Ảnh: FBNV
Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Ưu Đàm là tâm huyết của chị. Ảnh: FBNV

Giờ đây, khi ung thư vú đã di căn gan, ổ bụng, xương hàm, chị phải cấp cứu liên tục, dùng morphine hàng ngày để giảm đau. 

Mấy năm đi viện, vợ chồng chị đã tiêu cạn đến đồng tiền cuối cùng tích cóp được. Gần đây bố chồng chị Bào cũng mắc ung thư và đang điều trị cùng khoa với chị Bào.

Nụ cười tươi của chị Cẩm Bào khi ở trên giường bệnh là liều thuốc tinh thần cho bất cứ ai tới thăm chị. 

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chị không muốn vì mình mà làm phiền ai. Chi phí phòng bệnh mỗi ngày của chị là 700.000 đồng, chưa tính tiền thuốc men.

Xót ruột quá, nhiều lần chị cứ xin về nhà cho đỡ tốn tiền, nhưng sức khỏe yếu, về buổi chiều thì buổi tối đã phải quay trở lại cấp cứu. Nhiều lần chị tưởng như mình không qua khỏi được. Cẩm Anh, con gái của chị thì khóc thương mẹ, "sợ mẹ bỏ con đi...". 

Khỏe một chút là cười để xua tan cơn đau. Ảnh: Hoàng Diệu Thuần. 

Đau yếu nhưng cứ mỗi khi những đứa em vào thăm, chị lại ôn tồn dặn: "Làm gì cũng phải giữ sức khỏe nghe không? Đau ra đấy là khổ lắm!".

Cứ một ngày chị vượt qua là anh có thêm niềm hy vọng. Có lần anh mang cơm vào, chị ăn trở lại được khiến anh mừng phát khóc.

Từng ngày từng giờ cùng vợ giành giật sự sống, anh Tâm mong mỏi vợ đỡ đau để được về nhà. Chỉ cần chị được trở về nhà, được sống, để con gái có mẹ, vậy là anh mãn nguyện.