Động viên chính mình và đồng đội

Điều dưỡng Mai Tuyên Huấn chăm sóc bệnh nhân tại khoa 6A Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Gặp nhau lúc sắp tan ca trực tại nơi điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng ở khoa 6A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), anh Mai Tuyên Huấn ngẫu hứng đọc cho chúng tôi nghe những câu mở đầu trong bài thơ “Cùng nhau ta đi…” do chính anh sáng tác:

CÙNG NHAU TA ĐI

Gặp nhau trong lúc giao ca

Mà anh chẳng biết đó là em đâu

Kín bưng từ dưới lên đầu

Kính che giọt bắn ngập bầu sương rơi

Bước chân chậm chạp rã rời

Chẳng còn đủ sức nói lời chia tay

May mà anh kịp vào thay

Em ra kết thúc một ngày lê thê

Tạm quên công việc bộn bề

Lên xe em được trở về nghỉ ngơi

Còn anh giờ tiếp tục "bơi"

Gian truân nhưng vẫn tuyệt vời làm sao

Ta vì nghĩa cử lớn lao

Cùng nhau chung một chiến hào bên anh

Mai đây nhiệm vụ hoàn thành

Trăm hoa tươi thắm kết vành vinh quang

Anh Huấn là một điều dưỡng của Khoa Điều trị tự nguyện, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tình nguyện tham gia vào đoàn cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 13/7/2021 và được điều động đến Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Bài “Cùng nhau ta đi…” được anh sáng tác “cấp tốc” ngay sau khi kết thúc một ca làm việc tại đây.

Không giấy, không bút, người điều dưỡng 45 tuổi ghi lại trên điện thoại cảm xúc của mình trong những ngày bước vào tuyến đầu chống dịch. Anh Huấn xem bài thơ như một lời nhắn gửi, động viên tinh thần cho chính mình và cho các đồng đội, đồng nghiệp đang ngày đêm cứu chữa cho các F0.

Thế nhưng ít ai ngờ rằng không lâu sau đó, điều dưỡng Mai Tuyên Huấn lại trở thành một F0.

Giấu gia đình chuyện bị dương tính

“Sau hơn 10 ngày vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch, tôi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ban đầu, tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, vì đã được tiêm vaccine, lại có kiến thức về y khoa đồng thời được sự hỗ trợ, chăm sóc, động viên tận tình của bệnh viện và các đồng nghiệp, sau hơn 10 ngày cách ly điều trị, tôi được cho xuất viện để về nhà nghỉ ngơi. Lúc ra viện, tôi vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm không còn. Thế nhưng, nhận thấy lực lượng y tế chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây đang bị thiếu hụt và cảm thấy sức khỏe của mình đã ổn định, tôi tình nguyện xung phong đi làm trở lại nhằm giảm bớt gánh nặng cho các đồng nghiệp” - anh Huấn chia sẻ.

Anh Huấn tâm sự rằng, những ngày nằm trong khu cách ly điều trị, anh cảm thấy rất áy náy vì mình không may bị nhiễm Covid-19, không thể sát cánh cùng đồng nghiệp. Trong khi đó, ở các khoa, đồng nghiệp của anh lại đang rất vất vả với việc chăm sóc các bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Ban đầu, anh Huấn giấu gia đình ở quê nhà Thanh Hóa việc mình bị nhiễm bệnh. Song, anh cũng không thể giấu mãi được, lúc nghe tin, mọi người trong gia đình rất lo lắng. Hiểu được điều này, anh Huấn thường xuyên gọi video về nhà để mọi người thấy rằng mình vẫn khỏe đồng thời động viên, trấn an tinh thần cho mẹ già, vợ và hai con nhỏ… “Tôi sẽ tiếp tục cùng các đồng nghiệp chiến đấu hết mình. Mong dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường”, anh Huấn tâm sự.

Bác sĩ Đinh Hoàng Anh tại khoa 2B, Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Cũng giấu gia đình chuyện mình bị nhiễm bệnh là trường hợp của Đinh Hoàng Anh - bác sĩ đến từ khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Bác sĩ Hoàng Anh cùng chung đoàn với điều dưỡng Mai Tuyên Huấn vào TP Hồ Chí Minh chống dịch từ ngày 13/7/2021. Trong quá trình tham gia điều trị cho các bệnh nhân tại khoa 2B Bệnh viện hồi sức Covid-19, anh vô tình bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2. “Khi biết mình bị dương tính, tôi quyết định giấu gia đình vì không muốn bố mẹ, vợ con ở nhà phải quá lo lắng”, bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ. Là bác sĩ, anh Hoàng Anh biết cách theo dõi sức khỏe trong những ngày cách ly điều trị. Do đã được tiêm phòng vaccine, anh “không cảm thấy lo lắng lắm mà chỉ thấy thương các đồng nghiệp vừa phải gồng gánh các công việc mình để lại, vừa lo tiếp tế lương thực, vật dụng cho mình trong những ngày cách ly”.“Mọi người vào đây đều mong muốn cống hiến sức lực của mình để giúp đỡ các bệnh nhân. Thế nên sau khi hồi phục, tôi đã tình nguyện xin quay lại với công việc, cùng đồng nghiệp nơi đây tiếp tục “chiến đấu” với SARS-CoV-2”, bác sĩ đến từ Thanh Hóa chia sẻ. “Gian truân nhưng vẫn tuyệt vời làm sao”Những ngày này, tại khu hành chính Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh một người đàn ông luôn tất bật với công việc của mình. Anh hỗ trợ xây dựng các quy trình, liên tục hướng dẫn, tập huấn cho điều dưỡng từ các đoàn, các bệnh viện bạn mới đến hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức Covid-19…

Anh Phùng Thanh Phong (giữa) hướng dẫn cho các đồng nghiệp mới đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Nhìn cách anh làm việc, chúng tôi có cảm giác như anh đang cố gắng “làm bù” cho quãng thời gian đã “bỏ phí” trên giường bệnh. Anh là Phùng Thanh Phong, một cán bộ thuộc Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy được điều động sang Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ: “Tôi sang Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ những ngày đầu bệnh viện được thành lập. Sau hai tuần ở đây, tôi bị sốt, nhức đầu. Kết quả xét nghiệm tôi dương tính với SARS-CoV-2”.

Cùng theo anh, lúc biết mình dương tính, anh rất buồn. Buồn vì công việc của mình đang dang dở ngoài kia; buồn vì đồng nghiệp phải vất vả, vì bệnh nhân đang rất cần đến nhân viên y tế... “Tôi chỉ mong mình mau khỏe lại để tiếp tục được chung sức cùng mọi người” – anh nói.

Sau khi đủ thời gian cách ly, anh Phong được xuất viện với kết quả xét nghiệm còn dương tính nhưng khả năng lây nhiễm đã hết. Dù được khuyên về nhà để nghỉ ngơi, anh vẫn xin Ban Giám đốc cho mình được ở lại làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để chăm sóc bệnh nhân.

Anh Phong chia sẻ: “Biết rằng nhân lực ở đây đang thiếu nên khi được quay trở lại làm việc, tôi thực sự cảm thấy rất vui vì được góp một phần công sức nhỏ để hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ bệnh nhân”.

Chia tay những “chiến binh” F0 tình nguyện ở lại làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi hình ảnh họ hối hả làm việc và chiến đấu hết mình để cứu chữa bệnh nhân ở nơi sự sống và cái chết đôi khi cách nhau chưa đầy một cái chớp mắt.
Dẫu hành trình họ đang đi đầy vất vả, gian nan và nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ niềm vui trong ánh mắt họ. Những “chiến binh” ấy vui và hạnh phúc vì được cống hiến một phần công sức để đẩy lùi dịch bệnh, như câu thơ của người điều dưỡng Mai Tuyên Huấn: “Gian truân nhưng vẫn tuyệt vời làm sao”.