42 người Việt Nam trốn chạy khỏi Casino Rich World ở Campuchia bơi qua sông Bình Di, huyện An Phú, tỉnh An Giang để về nước vào ngày 18-8 cho thấy tình trạng nhiều người Việt Nam bị sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” ở Campuchia để rồi giấc mơ không thành hiện thực, họ phải đánh cược bằng chính sinh mang của mình.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã có những chia sẻ với báo chí về tội phạm buôn bán người dưới chiêu trò "việc nhẹ, lương cao" thời gian qua.

*Thượng tá có thể cho biết việc điều tra, tìm kiếm, giải cứu nạn nhân buôn bán người sang Campuchia gặp những khó khăn như thế nào?

Hầu hết người Việt Nam sang Campuchia đều thuộc diện xuất cảnh trái phép. Dưới chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" người lao động đã bị các đối tượng lừa gạt đưa vào các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo. Khi bị đưa vào đây, người lao động phải sống, làm việc trong môi trường giam giữ, bóc lột sức lao động. Khi phát hiện bị lừa đảo, bóc lột, người lao động muốn tự giải thoát ra ngoài là rất khó khăn. Ở nơi đất khách quê người, không am hiểu về pháp luật, không có sự trợ giúp, không có tiền, nhiều người tuổi vị thành niên nên rất khó tự giải thoát.

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia (Nguồn: antt.vn)

Cơ quan chức năng xác định "không phải hàng chục, hàng trăm mà có thể hàng nghìn người" đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn. Việc giải cứu những lao động này cũng không dễ dàng khi sự vụ đều ở bên kia biên giới. Có những cơ sở nằm giữa rừng sâu, ngụy trang thành điểm sản xuất. Người ngoài không thể biết được những gì đang xảy ra phía trong. Nhìn bề ngoài giống như một doanh nghiệp sản xuất nhưng bên trong lại là "địa ngục" của sự bóc lột mà các cơ quan chức năng cũng khó phát hiện. quá trình kiểm tra xác minh gặp khó khăn.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có hiệp định song phương với Campuchia về phòng, chống buôn bán người. Tuy nhiên trong số người xuất cảnh trái phép cũng có người là nạn nhân của mua bán nhưng cũng có người không phải là nạn nhân vì vậy không được điều chỉnh trong văn bản pháp luật này. Hầu hết những người xuất cảnh trái phép sang Campuchia do nghe theo lời mời chào trên mạng, tự ý xuất cảnh, sau đó mới biết mình bị lừa. Khi biết bị lừa thì lại bị giam giữ, cơ  quan chức năng Việt Nam muốn xác minh giải cứu đưa họ về  phải  có sự phối hợp nhiệt tình của phía bạn. Nên việc đi sang được Campuchia thì dễ nhưng việc giải cứu đưa về Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

*Tình trạng các bạn trẻ vị thành niên bị lừa sang Camphuchia và được giải cứu trong thời gian qua đã gióng lên điều gì?

Các bạn trẻ mới lớn lên thiếu thông tin, mơ hồ về thông tin trong khi lại không có tư vấn, tham vấn từ gia đình, người thân và cơ quan chức năng, trong khi các đối tượng tội phạm lại rất tinh vi. Chúng dùng đủ mọi thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ thậm chí còn ứng trước cho nạn nhân một số tiền. Khi đó các em tin đây là người chủ sẽ sử dụng mình làm việc, những lời hẹn sẽ thành hiện thực. Các em nghĩ nếu báo cáo gia đình sẽ bị ngăn cản nên nhiều em trốn gia đình chạy theo các đối tượng tội phạm. Điều này đã gây khó khăn cho gia đình và cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tìm, giải cứu. Tình trạng xuất cảnh trái phép, trở thành nạn nhân của buôn người xảy ra hầu hết các tỉnh kinh tế khó khăn, như địa phương biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên...

*Trong thời gian tới Bộ Công an sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người và ngăn chặn loại tội phạm này?

Thời gian qua, Bộ Công an đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục để người dân nhận thức rõ nguy cơ, phương thức thủ đoạn của tội phạm này cũng như có kỹ năng tự bảo vệ mình. Đồng thời, Bộ Công an phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng quyết liệt, điều tra, xử lý loại tội phạm này. Hình phạt nặng nhất theo chế tài của Bộ luật Hình sự: Nếu buôn bán người dưới 16 tuổi thì hình phạt từ 20 năm đến chung thân. Hình phạt sẽ trên cơ sở phán quyết của tòa án khi vụ án được đưa ra xét xử.

Qua các vụ án, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho nạn nhân cũng như người dân khác trong cộng đồng đặc biệt các tỉnh biên giới, những vùng tội phạm hay lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người.

*Ông có thể đưa ra lời khuyên như thế nào cho lao động Việt Nam cũng như các bạn trẻ đang có hy vọng "việc nhẹ, lương cao" nơi xứ người?

Trong số người tự đi xuất cảnh và trở thành nạn nhân của lao động nặng nhọc, cưỡng bức ở xứ người là do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết nhưng cũng có nhiều em sống trong môi trường bình thường, đang là học sinh, sinh viên do tâm lý mải chơi, muốn giàu nên khi tội phạm vẽ ra viễn cảnh màu hồng thì tin rằng khi mình sang bên kia biên giới sẽ có thu nhập cao, giàu nhanh nên chấp nhận mạo hiểm.

Mọi người dân trước khi đi nước ngoài làm việc hoặc kết hôn với người nước ngoài cần phải  được tư vấn, tham vấn từ các cơ quan chức năng của nhà nước. Nếu đi trái phép, khi  xảy ra vấn đề gì  ở nước ngoài sẽ không được pháp luật nước bạn  bảo hộ. Người dân cần thận trọng khi tiếp cận môi trường mạng không dễ tin vào những lời mời chào, hứa  hẹn trên mạng. Người lao động khi đi làm việc nên báo cho gia đình biết rõ đi đâu, với ai, thời gian dự kiến trở về, không nên tự ý bỏ đi. Bởi khi đã sa vào tay tội phạm, các cơ quan chức năng rất khó truy tìm, giải cứu.

Mong muốn các địa phương tăng cường tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu không vì khó khăn trước mắt mà nghe theo dụ dỗ của đối tượng môi giới mạo hiểm sang nước ngoài tìm việc. Bởi sang nơi đất khách quê người không bao giờ có chuyện "việc nhẹ lương cao. Mọi người khi trưởng thành phải trang bị cho mình một nghề, có trình độ lao động sản xuất thì họ mới có được việc làm ở nơi an toàn. Khi không có trình độ lao động sản xuất lại mạo hiểm thì rất dễ rơi vào cạm bẫy của đối tượng lừa gạt, bị bóc lột giam giữ, thậm chí bị mất mạng.

Nạn nhân chủ yếu 18-35 tuổi

Ngày 4-7, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều lao động Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia với chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao".

Nạn nhân chủ yếu 18-35 tuổi, có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Sau khi qua Campuchia, họ phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.

Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu các ổ nhóm này được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.

Sáu tháng đầu năm, Công an Việt Nam phối hợp với nhà chức trách Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép. Hiện, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các tổ chức đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.