Mới đây, một video cho thấy cảnh một chú rể đang bị bố vợ đánh bằng dép ngay trong ngày cưới đã gây xôn xao. Lý do chú rể bị đánh là vì đòi hỏi sính lễ vô lý. Có vẻ chú rể đã bị bạn bè "kích" đòi chiếc xe máy từ nhà vợ.

Dù hai bên đã thỏa thuận ngầm từ trước và việc yêu cầu sính lễ vốn chỉ nên thực hiện theo hình thức. Tuy nhiên, dường như chú rể đã "lật lọng" khiến bố cô dâu bất bình và cầm dép đánh anh ta ngay trước mặt quan khách.

Một người đàn ông, có vẻ là bố chú rể, đã vào can ngăn, nhưng không thành. Bố cô dâu tiếp tục túm cổ áo chú rể, dặn anh ta phải đối xử tốt với con gái ông, nếu không sẽ phải lãnh hậu quả.

Cuối cùng, bố chú rể phải khuyên lơn: "Rồi tôi sẽ bán đất mua cho anh cái xe. Giờ anh mau dắt con dâu của tôi về đi". Đến cuối video, chú rể vừa khóc vừa dắt cô dâu về nhà.

Gánh nặng của hồi môn đối với các cô dâu Ấn Độ

Của hồi môn (hay "Dahej") là khoản tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu cần mang theo khi về nhà chồng. Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi đến sống ở nhà chồng. Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái, nhưng dần dần đã bị lòng tham của gia đình nhà trai lợi dụng và trở thành gánh nặng đè lên vai những cô gái xuất thân trong gia cảnh thiếu thốn.

Ảnh minh hoạ: shutterstock

Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng. Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh "sống không bằng chết". 

Đáng buồn hơn, những cảnh tượng đó lại ngày càng diễn ra phổ biến ở cả những ngôi làng xa xôi hẻo lánh lẫn chốn phồn hoa đô thị. Chính quan niệm trọng nam khinh nữ cùng với sự thèm khát tiền bạc thái quá là môi trường lý tưởng cho cơn ác mộng kia phát triển. Cục Báo cáo Tội phạm Quốc gia Ấn Độ ước tính, hàng năm, 8.000 người đã thiệt mạng vì tục lệ trao của hồi môn này.

Mặc dù Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm trao của hồi môn từ năm 1961 nhưng tục lệ này vẫn được áp dụng rộng rãi.

Varsha Jha, làm việc tại Hội phụ nữ Delhi cho biết, người dân Ấn Độ đã bị Tây hóa, ngày càng thực dụng, tham lam và hung hăng hơn. Họ muốn có nhiều quần áo sang trọng, các loại đồ dùng gia đình đắt tiền được quảng cáo trên truyền hình. Và điều tồi tệ nhất là họ cho rằng đòi hỏi của hồi môn là cách làm dễ dàng để có những tài sản trên. Các truyền thống tốt đẹp của Ấn Độ bị đào thải trong khi thói quen xấu về của hồi môn lại được phục hồi và phát triển. Thật nực cười khi chàng rể đòi bố mẹ vợ mua cho chiếc xe ôtô, về đến nhà anh ta nghĩ rằng nhà gái đã quên mua xăng nên quay lại đòi tiền...

Mặc dù việc tặng và nhận của hồi môn hiện đã bị Chính phủ Ấn Độ cấm với hình phạt lên tới 5 năm tù nhưng theo các nhà hoạt động xã hội, đạo luật này chỉ mang tính trang trí và chẳng bao giờ phạt được ai. Việc bàn bạc thống nhất giữa hai gia đình thông gia về của hồi môn vẫn là một phần không thể thiếu trong khâu chuẩn bị đám cưới ở Ấn Độ và để tránh phiền phức với luật pháp chúng được gọi là "quà đám cưới".

Ảnh minh hoạ: shutterstock

Những tranh cãi xung quanh việc của hồi môn gây chia rẽ các cặp vợ chồng mới cưới đang diễn ra trong mọi giai cấp, tầng lớp xã hội Ấn Độ. Các nhân viên của Hội phụ nữ Delhi tiếp nhận trung bình mỗi ngày có tới 40 lời kêu cứu của các phụ nữ, trong đó 85% là nạn nhân của vấn đề đòi thêm của hồi môn. Đáng buồn là con số này tiếp tục tăng trong 5 năm qua.

Chủ tịch Hội phụ nữ Delhi, Kiran cho biết, ở Ấn Độ đang có làn sóng đua đòi theo chủ nghĩa vật chất và việc đòi hỏi nhiều của hồi môn đã tăng tới mức cao vọt, song hành cùng chủ nghĩa thực dụng trong cuộc sống. Vẫn chỉ là một món quà cho và nhận theo ý nghĩa của hồi môn nhưng điều thật sự đáng lo ngại là nạn bạo hành phụ nữ phía sau đó khi món hồi môn không được như mong đợi.

Hội Phụ nữ Delhi đã tiến hành các chiến dịch cảnh tỉnh công luận về của hồi môn, gửi tư vấn viên tới các trường đại học ở thủ đô New Delhi, báo động cho sinh viên về nạn bạo lực liên quan tới của hồi môn. Tuy nhiên tại quốc gia mà của hồi môn vẫn còn nặng nề như Ấn Độ, cần phải có nhiều hơn nữa các chiến dịch tuyên truyền cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền.