Nguyên nhân nào khiến trẻ dễ bị táo bón?

Các chuyên gia sức khỏe trên Pcbaby cho biết: Táo bón cũng là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Do cơ thể trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng không mạnh như người trưởng thành, nếu cách chăm sóc của bố mẹ lại thiếu khoa học thì trẻ có thể thường xuyên bị táo bón.

Ngoài quan tâm đến cách trị táo bón cho trẻ thì trước hết, bố mẹ cần tìm hiểu những nguyên nhân nào khiến trẻ có nguy cơ cao bị táo bón để có biện pháp phòng tránh tốt hơn. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển thuận lợi và khỏe mạnh.

Trẻ không thích ăn rau cũng là nguyên nhân gây triệu chứng táo bón ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Thành phần thức ăn không thỏa đáng hoặc trẻ ăn quá ít

Một trong những nguyên nhân gây triệu chứng táo bón ở trẻ em phổ biến chính là từ chế độ ăn uống hằng ngày. Từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ cần kiểm soát tốt thực đơn cho trẻ. Nếu thực phẩm cho trẻ có quá nhiều thành phần protein mà lại thiếu rau củ quả, đặc biệt là rau xanh thì trẻ rất dễ táo bón. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ không được hấp thu chất xơ thực vật cần thiết.

Ngoài ra, nếu trẻ kén ăn hoặc do vấn đề nào đó mà biếng ăn thì lượng phân hình thành trong ruột mỗi ngày cũng ít và có nguy cơ khô cứng cao hơn. Phân tích tụ lâu ngày, thành phần nước trong đó bị hấp thu lâu hơn khiến cho phân càng khó thải ra ngoài. Không những vậy, khi trẻ táo bón thì cảm giác ngon miệng cũng giảm theo, hình thành cái vòng luẩn quẩn bất lợi.

Trẻ không có thói quen đi đại tiện đúng giờ

Nhu động ruột chịu sự chi phối của cơ chế thần kinh. Nếu mỗi ngày bạn tập cho trẻ hình thành thói quen đi đại tiện có giờ giấc nhất định thì cứ đến thời gian đó là trẻ tự nhiên có nhu cầu đại tiện. Phân trong đường ruột cũng không tích tụ lâu ngày và không bị khô cứng, trẻ dễ dàng thải ra ngoài cơ thể.

Trẻ bị táo bón lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Nếu bố mẹ không chú ý vấn đề đại tiện có quy luật cho trẻ thì khi xuất hiện triệu chứng táo bón, trẻ có thể bị đau rát khi đi vệ sinh do phân khô cứng, nứt hậu môn v.v… Dần dần, trẻ càng sợ việc đi đại tiện, phân càng khó thải ra ngoài dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón lâu ngày và khó cải thiện hơn.

Chức năng ruột có vấn đề

Một số trẻ do dinh dưỡng không đủ hoặc bị còi xương bẩm sinh, chức năng tuyến giáp suy giảm v.v… sẽ khiến thành ruột và các cơ ở đây bị nhão đi, gây ra tình trạng khó đại tiện. Đặc biệt, nếu trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh thì rất dễ bị táo bón thường xuyên.

Những biểu hiện đặc trưng của chứng táo bón ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thải phân su

Trẻ sơ sinh nếu 2 - 3 ngày không thải phân su và sức khỏe tốt thì có thể là chứng táo bón - Ảnh minh họa: Internet

Đối với trẻ sơ sinh, thông thường mỗi ngày sẽ đại tiện từ 1 đến 2 lần, chất phân hơi mềm. Nếu 2 - 3 ngày mà trẻ không đi đại tiện nhưng sức khỏe tổng quát vẫn bình thường thì đây có thể là chứng táo bón. Tuy nhiên, nếu trẻ có thêm chướng bụng, đau bụng, nôn ói v.v… thì nên đến bệnh viện kiểm tra.

Trẻ sau khi sinh 24 giờ mà không thấy thải phân su thì mẹ nên cảnh giác vấn đề dị dạng đường tiêu hóa bẩm sinh ở trẻ, cần sớm kiểm tra để điều trị. Khi trẻ lớn hơn nếu khoảng cách giữa 2 lần đại tiện vượt quá 36 giờ hoặc lượng phân thải ra ít bất thường thì cũng nên cho trẻ đến bệnh viện tìm nguyên nhân cụ thể.

Trẻ thải phân thông thường

Khi bị táo bón, trẻ dễ khóc quấy do đau khi đại tiện và biếng ăn hơn - Ảnh minh họa: Internet

Đối với những trẻ lớn, nếu quá 48 giờ mà trẻ không đi đại tiện và sức khỏe vẫn tốt thì đây có thể là biểu hiện của táo bón ở trẻ em. Mẹ cần chú ý lúc này, trẻ có thể kèm theo tình trạng ăn không ngon, bị đau và khóc quấy khi đại tiện, phân thải ra khô cứng, trường hợp nghiêm trọng còn có thể kèm theo lượng máu nhỏ trong phân do nứt hậu môn.

Cách trị táo bón cho trẻ mà bố mẹ có thể áp dụng tại nhà

Trong tình huống triệu chứng ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể áp dụng những cách trị táo bón cho trẻ tại nhà để giúp trẻ đại tiện dễ dàng hơn. Một điểm cần đặc biệt chú ý đó là tăng cường cho trẻ hấp thu nước, đồng thời ngay từ sớm nên tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh có giờ giấc, có thể bắt đầu với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Massage

Massage cũng là một cách chữa táo bón cho bé tại nhà dễ thực hiện - Ảnh minh họa: Internet

Massage cũng là một cách chữa táo bón cho bé tại nhà tương đối an toàn và hiệu quả. Bạn cho trẻ nằm yên trên giường, đặt lòng bàn tay lên vị trí rốn của trẻ rồi nhẹ nhàng massage theo chiều kim đồng hồ. Động tác này giúp tăng nhanh nhu động ruột, thúc đẩy thải phân ra ngoài và cũng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt cho trẻ nhỏ.

Bơm thụt hậu môn

Nếu thấy trẻ đại tiện quá khó khăn thì bạn có thể mua thuốc bơm trị táo bón để hỗ trợ. Bạn cho trẻ nằm ngửa trên giường, cắt bỏ đầu nhọn của dụng cụ bơm sao cho miệng ống dẫn phải trơn bóng để tránh kích thích và tổn thương da của bé. Nhẹ nhàng đưa đầu ống vào hậu môn của trẻ rồi bóp phần túi cao su cho dung dịch thuốc đi vào bên trong hậu môn.

Sau khi bơm thụt dung dịch thuốc, mẹ nên kẹp tờ khăn giấy sạch ở hậu môn của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi rút ống bơm ra thì nên đặt miếng khăn giấy sạch cho trẻ kẹp ở hậu môn để nước thuốc không chảy ngược ra ngoài, cố gắng giữ cho dung dịch thuốc ở trong cơ thể trẻ càng lâu để đạt hiệu quả kích thích đường ruột, làm mềm phân và cải thiện chứng táo bón.

Sử dụng thuốc Glycerol

Glycerol là thuốc nhuận tràng loại thẩm thấu, có thể áp dụng như một cách trị táo bón cho trẻ. Bạn mở túi giấy chứa thuốc Glycerol, từ từ nhét vào hậu môn của trẻ, sau đó hơi ấn nhẹ ở hậu môn và giữ lâu một chút để thuốc thẩm thấu tích cực hơn, kích thích trẻ đại tiện thải phân ra ngoài.

Kết hợp thực phẩm hỗ trợ

Ngoài các biện pháp kích thích trẻ đại tiện thì chế độ ăn uống cũng vô cùng quan trọng. Đầu tiên là bổ sung đủ nước cho trẻ để góp phần làm mềm hóa phân trong đường ruột. Thực đơn cho trẻ nên tăng cường rau xanh để trẻ hấp thụ nhiều chất xơ thực vật, cải thiện chứng táo bón.

Cách chữa táo bón cho bé bằng mật ong có thể áp dụng tại nhà - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, cách chữa táo bón cho bé bằng mật ong cũng thích hợp để bố mẹ áp dụng tại nhà. Nước pha mật ong không nên quá nóng vì sẽ phá hủy nhiều thành phần trong đó, làm giảm hiệu quả chữa táo bón. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh thì không nên dùng mật ong, một số trẻ có thể chất mẫn cảm cũng không phù hợp uống nước mật ong.

Nếu những biện pháp tại nhà không cải thiện tình hình táo bón thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra nguyên nhân cụ thể và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Nguồn:

https://baike.pcbaby.com.cn/qzbd/566.html

https://baike.pcbaby.com.cn/qzbd/1109555.html