Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm 2022 tới nay tthành phố ghi nhận 66.699 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 1.477 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2% tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng cao so với các năm trước đây.

Khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. 

TS BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết so với mọi năm, năm nay sốt xuất huyết gia tăng nhanh hơn. Khác với các bệnh sốt do virus khác, người bị sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột, da xung huyết, ửng đỏ, mệt mỏi, buồn nôn.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 có chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo bất thường ở bé gái, chảy máu tiêu hoá gây ra hiện tượng đi ngoài phân đen.

Còn các bệnh lý như Covid-19, tay chân miệng, bệnh nhân thường sốt nhẹ hơn và có các đặc điểm lâm sàng dễ phân biệt hơn. 

Theo bác sĩ Tuấn, để phát hiện sốt xuất huyết cách tốt nhất là ngoài theo dõi sốt thì bạn có thể tự tìm dấu hiệu chảy máu, xuất huyết trên da. Các dấu hiệu này biểu hiện ở ngày thứ 3 của sốt trở đi.

Trên da không có xuất huyết ngoài da, bạn có thể dùng máy đo huyết áp quấn quanh tay và bơm cho huyết áp tâm thu, tâm trương về trị số bình thường giữ trong vòng 5 phút.

Nếu vùng da đó xuất hiện nốt xuất huyết như phát ban nhưng khi ấn tay vào không mất đi thì đó là dấu hiệu của sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Còn trường hợp không có dấu hiệu xuất hiện nốt xuất huyết trên da, qua 3 ngày vẫn sốt, mệt  mỏi, chán ăn, BS Tuấn khuyên người bệnh nên đi khám để phát hiện sớm sốt xuất huyết.

Theo BSCK II Phan Vĩnh Thọ, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tại TP.HCM và các tỉnh phía nam ghi nhận sốt xuất huyết diễn tiến bất thường. Từ đầu năm tới nay số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng gần gấp đôi so với năm 2019.

Nguy hiểm là người bệnh bị tổn thương các cơ quan nội tạng từ tim, gan, não… Vì vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh ngay từ đầu vô cùng quan trọng. 3 ngày sau sốt bạn nên tự theo dõi vì đây là thời kỳ có nhiều biểu hiện xuất hiện như xung huyết ở da. 

Tại bệnh viện, bác sĩ thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết nhanh. Các test sốt xuất huyết có giá trị trong 5 ngày đầu, sau đó giảm dần. Vì vậy, trong 1, 2 ngày đầu nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết đi khám bệnh bác sĩ có thể test nhanh kháng nguyên để phát hiện sốt xuất huyết. Tuy nhiên, test nhanh này là thực hiện ở cơ sở y tế vì phải lấy máu.

Khi sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà, bác sĩ Tuấn lưu ý, phải sử dụng đúng cách. Bác sĩ khuyến cáo bạn cần dùng đúng, không lạm dụng thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt có thể gây tổn thương gan. Chỉ dùng hạ sốt khi nhiệt độ trên 39 độ C, chỉ dùng hạ sốt Paracetamol, liều từ 10 – 15 mg/kg cân nặng, lặp lại sau 4 - 6 giờ.

Để phòng sốt xuất huyết, tại các gia đình nên thực hiện vệ sinh môi trường, thay nước lọ hoa, bể cá, thu dọn vật dụng chứa nước, ngủ phải mắc màn.

Theo bác sĩ Tuấn, ở trường học nhà trường cần lưu ý dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, không để lọ hoa, bình cá nhiều nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ.

Trẻ học ban ngày ở trường nên cho trẻ mặc áo dài tay, dùng thuốc bôi ngoài da xua đuổi muỗi để phòng sốt xuất huyết.