Đuối nước (hay chết đuối) là những trường hợp tử vong vì ngạt nước do cơ thể hoặc mặt bệnh nhân bị chìm trong nước. Việc sơ cứu đuối nước ở trẻ em ban đầu đúng và kịp thời đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tỷ lệ di chứng.

Tuy nhiên, phần lớn người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não do không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế. Khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho thấy trong số 85% bệnh nhi bị ngạt nước được hồi sức tại hiện trường thì chỉ có 8% được cấp cứu đúng cách.

Những cách sơ cứu đuối nước sai cần tránh

Bạn cần lưu ý những cách sơ cứu đuối nước không giúp ích gì cho trẻ, thậm chí còn làm tình trạng nặng thêm và làm mất thời gian quý giá để hồi sức. Theo đó, cần tránh những việc sau:

- Nhảy xuống nước cứu nạn nhân khi mình không biết bơi hoặc không biết cách sơ cứu đuối nước.

- “Xốc nước”: Động tác dốc ngược người trẻ để xốc nước là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường nước vào phổi ít nhất, không phải vào đầy phổi như người ta vẫn nghĩ. Lượng nước này sẽ được tống ra ngoài khi trẻ tự thở lại được. Việc xốc nước sẽ làm chậm thời gian cấp cứu và làm tăng thêm nguy cơ hít sặc nước vào phổi.

"Xốc nước" là một việc làm không cần thiết trong sơ cứu đuối nước - Ảnh minh họa: Internet

- Không thổi ngạt và ép tim cho trẻ đang ngừng thở, ngừng tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc di chuyển đến bệnh viện. Điều này khiến não bị thiếu oxy kéo dài dẫn tới chết tế bào não, gây ra tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

- Thổi ngạt và ép tim không đúng cách.

Các bước thổi ngạt, ép tim đúng cách khi sơ cứu đuối nước - Ảnh minh họa: Internet

Cách phòng tránh tai nạn đuối nước

Trong gia đình, trường mẫu giáo: Cẩn thận với những dụng cụ chứa nước như chậu, xô… Xả hết nước trong bồn tắm khi không sử dụng. Không cho trẻ nhỏ nghịch gần nơi chứa nước. Nếu ở vùng sông nước, không cho trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông, giếng, đặc biệt vào mùa lũ.

Trong môi trường vui chơi, giải trí: Cho trẻ học bơi và có các biện pháp an toàn khi bơi lội như khởi động trước khi bơi, không bơi lúc ăn no, không đùa giỡn quá nhiều nước và trong khi bơi. Trông chừng cẩn thận khi trẻ bơi. Không cho trẻ bơi ở những nơi không biết rõ độ sâu…

Học bơi là một kĩ năng sinh tồn trẻ cần biết - Ảnh minh họa: Internet

Phổ biến cách sơ cứu tại hiện trường và tuyến cơ sở: Tập huấn, hướng dẫn cách sơ cứu đuối nước trong cộng đồng để xử trí tại chỗ khi có người bị nạn. Thành lập tổ, nhóm, đội cấp cứu lưu động. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các khu dân cư, trường học về cách sơ cứu đuối nước.