1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Những người bị COPD phải cố gắng nhiều hơn để thở, điều này có thể dẫn đến khó thở và/ hoặc cảm thấy mệt mỏi ở giai đoạn sớm của bệnh, nhất là khi bệnh nhân tập thể dục.

Khi bệnh tiến triển, có thể khó thở khi thở ra hoặc thậm chí khi hít vào. Căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe như: Mệt mỏi, hạn chế sinh hoạt, hoạt động thể lực, chất lượng cuộc sống giảm sút, khó thở, nặng hơn là suy hô hấp…

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người bệnh.

2. Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường là:

- Hút thuốc lá (chủ động và thụ động): Theo thống kê từ Hiệp hội phổi Hoa Kỳ, khoảng 85% – 90% người mắc bệnh tắc phổi nghẽn mạn tính có liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả những người hút thuốc lá thụ động. Trong đó, nguy cơ tử vong do bệnh COPD của người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Các phân tử khí độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân gây phá hủy cấu trúc đường thở, làm giảm lưu lượng khí lưu thông và không hồi phục được dẫn đến bệnh COPD.

- Người làm việc trong môi trường độc hại , ô nhiễm, khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.

- Người có khuyết tật về gen gây thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin, nên bệnh COPD có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.

- Nam giới trên 40 tuổi.

Triệu chứng thường gặp:

- Khó thở: Tiến triển theo thời gian, nặng hơn khi tập thể dục.

- Ho mạn tính: Có thể không liên tục, có khi chỉ là ho khan.

- Khạc đàm mạn tính.

- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới tái diễn như viêm phổi, viêm phế quản mạn…

3. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thế nào?

3.1. Bỏ thuốc lá

Điều trị COPD trước nhất và quan trọng nhất ở người hút thuốc là từ bỏ hút thuốc. Đã có thuốc và các phương pháp điều trị khác để giúp điều trị việc nghiện nicotine và giúp bệnh nhân bỏ thuốc lá. Việc dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi hút thuốc lá...

Các thuốc có thể chỉ định:

-Nicotine thay thế: Loại này chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (vừa mới bị nhồi máu cơ tim cấp). Các dạng thuốc bao gồm dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.

Tác dụng phụ: Gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu...

-Bupropion: Tác dụng tăng cường phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh ở hệ thần kinh trung ương giúp làm giảm ham muốn hút thuốc. Thuốc không dùng cho bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.

-Varenicline: Có tác dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá và giảm sảng khoái khi hút thuốc. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm , thay đổi hành vi. Không dùng thuốc trên bệnh nhân suy thận nặng.

3.2. Các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

-Thuốc giãn phế quản: Các thuốc này được coi là nền tảng trong điều trị COPD. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, dùng đường phun hít hoặc khí dung . Một số loại có thể kể tên như SABA, LABA, ICS… Liều lượng và đường dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh.

-Corticoid dạng hít: Đ ược bác sĩ kê đơn cho những người thường xuyên có đợt tắc nghẽn cấp tính khó thở phải nhập viện, người có tiền sử hen hoặc tăng bạch cầu ái toan trong máu. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ, nên người bệnh cần thận trọng và dùng theo chỉ định của bác sĩ.

-Corticoid đường uống: Thuốc corticoid đường uống thường được dùng cho những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn muộn. Điều trị ngắn ngày bằng thuốc corticoid đường uống có tác dụng giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu sử dụng corticoid đường uống trong thời gian dài có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ toàn thân nguy hiểm như: Loãng xương , đục thủy tinh thể , tăng cân, đái tháo đường… Do đó, việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng corticoid đường uống phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.

-Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định đối với những bệnh nhân COPD có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng như: Ho có đờm đục, sốt… khiến tình trạng bệnh diễn tiến xấu hơn. Thuốc kháng sinh có vai trò tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định thở oxy tại bệnh viện hoặc ở nhà nếu bác sĩ thấy cần thiết. Những người bị COPD nặng hoặc tiến triển có thể có nồng độ oxy trong máu thấp. Tình trạng này, được gọi là thiếu oxy máu, có thể xảy ra ngay cả khi bạn không cảm thấy khó thở hoặc có các triệu chứng khác. Mục tiêu của phương pháp này là làm giảm khó thở cũng như nguy cơ suy hô hấp, hạ oxy máu.

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có một số chỉ định ngoại khoa, chẳng hạn như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi, có thể hữu ích trong việc giảm triệu chứng ở một số người bị khí phế thũng tiến triển.

4.Phòng ngừa COPD thế nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể phòng ngừa và điều trị được. Do đó, nên:

- Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, làm sạch mọi ngóc ngách trong nhà để đảm bảo môi trường trong lành.

- Đối với bệnh nhân COPD, tránh sử dụng những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, tạo nên các cơn ho khan và thậm chí gây khó thở như tôm, cua, cá tanh, rau có tính lạnh, các gia vị cay, hạn chế ăn muối. Nên bổ sung những thực phẩm giàu protein, vitamin và chất xơ như thịt, rau củ có màu sắc tươi sáng, sữa chua, pho mát…

- Bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể dẫn đến các đợt cấp của COPD. Tiêm vaccine là một phần quan trọng trong liệu trình điều trị phòng ngừa các đợt cấp của COPD. Có thể kể đến như vaccine phế cầu khuẩn, vaccine cúm, vaccine ho gà…