Theo thông tin từ Bộ Y tế, tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue, bệnh lây từ người bệnh sang người lành. Có 2 loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn và muỗi hổ châu Á.

Sốt phát ban do nhiều loại virus gây ra, thường gặp là virus sởi và virus gây bệnh rubella, bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.

Sốt xuất huyết thường có sốt cao liên tục, khó giảm trong 3-4 ngày. Kèm theo đó là ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy.

Khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ, nôn ói, chân tay lạnh.

Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng (nhất là ở trẻ em). Nếu không được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ sốc, tổn thương các cơ quan khác.

Một trẻ đang được điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh: TP

Sốt phát ban cũng bắt đầu với triệu chứng sốt cao từ 39-40 độ C, kèm theo các triệu chứng ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, nôn ói, phát ban đỏ.

Ngoài ra, nhiều người sẽ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, nổi hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể sờ thấy. Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, có thể xuất hiện rối loạn tiêu hóa.

Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt, ăn được, da bắt đầu nổi phát ban 3-5 ngày rồi lặn.

Cách phân biệt ban do sốt xuất huyết và sốt phát ban là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu chấm ban mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay thì chính là dấu hiệu của sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết chính xác để xử lý kịp thời, cần đến khám tại các cơ sở y tế.