Mụn trứng cá thường sẽ tự khỏi khi trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi. Ảnh: Mama Natural.

Trang Health Shots cho biết việc nhận diện bệnh tật của con cái chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng đối với các bậc phụ huynh.

Nhiều phụ huynh có thể đã được chia sẻ một vài bí quyết chăm sóc da cho trẻ sơ sinh, nhưng họ ít nhiều cũng sẽ gặp khó khăn khi con bị bệnh về da.

Chia sẻ với trang Health Shots, tiến sĩ Ankur Rajvanshi - bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh và Nhi khoa, Bệnh viện Cloudnine, Whitefield, Bengaluru - đã chỉ ra sự khác biệt giữa mụn trứng cá và bệnh chàm ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu nhận biết

Theo tiến sĩ Ankur Rajvanshi, mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhỏ trên mặt. Trong khi đó, bệnh chàm là những vết sần sùi, mảng da khô và bong tróc.

Ông khuyên phụ huynh nên theo dõi trẻ sát sao và xem trẻ có gãi vào da hay không. Vì ngứa là một triệu chứng điển hình của bệnh chàm. Còn đối với mụn trứng cá, trẻ sơ sinh không có cảm giác ngứa ngáy.

Ông Rajvanshi cho biết thêm bệnh chàm và mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện ở cằm, trán hoặc da đầu của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mụn trứng cá có thể xuất hiện thêm ở lưng, cổ và ngực. Trong khi đó, bệnh chàm lại xuất hiện trên đầu gối và khuỷu tay (điều này không xảy ra nếu trẻ bị mụn trứng cá).

Một đặc điểm khác được ông Rajvanshi liệt kê là mụn trứng cá sẽ xuất hiện vào lúc trẻ mới sinh hoặc sau khi trẻ được khoảng 2-4 tuần tuổi. Còn bệnh chàm thường không khởi phát cho đến khi trẻ được 3-6 tháng tuổi.

Ông Rajvanshi nhận định nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Nhưng một trong những yếu tố chính liên quan đến mụn trứng cá ở trẻ là ảnh hưởng của nội tiết tố trong cơ thể.

Đối với trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá, người ta cho rằng hormone từ mẹ vẫn còn trong cơ thể bé và chúng gây ra những thay đổi trên da. Lỗ chân lông trên da của em bé có xu hướng bị tắc dưới ảnh hưởng của nội tiết tố (androgen) từ mẹ.

Ngược lại, theo tiến sĩ Ankur Rajvanshi, nguyên nhân gây ra bệnh chàm là ảnh hưởng của môi trường con người đang sống tác động đến các tế bào của cơ thể. Ngoài ra, sự di truyền cũng là một yếu tố khiến con người mắc bệnh chàm, tình trạng này thường thấy trong gia đình nhiều thế hệ.

Bệnh chàm có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc bôi. Ảnh: Shutterstock.

Cách điều trị

Ông Rajvanshi cho biết trong hầu hết trường hợp bị mụn trứng cá, trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, khi trẻ gặp vấn đề về da, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác.

Trong trường hợp trẻ bị mụn trứng cá, ông Rajvanshi khuyên phụ huynh sử dụng nước nóng, nước ấm để tắm và làm sạch cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhờn; cọ rửa hoặc chà xát những vùng bị viêm ở trẻ; đồng thời tránh bôi lên da của trẻ các loại kem và dầu.

Đối với trẻ bị bệnh chàm, ông Rajvanshi cho biết hiện tại không có cách chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có những phương pháp điều trị để kiểm soát da khô, đỏ và ngứa cho trẻ.

Theo ông Rajvanshi, vấn đề chính của bệnh chàm là da không giữ nước như bình thường. Vì vậy, mục tiêu khi điều trị căn bệnh này là sử dụng các phương pháp để cải thiện tình trạng khô.

Phụ huynh có thể điều trị bệnh chàm cho trẻ bằng cách tắm cho con mỗi ngày mà không cần xà phòng hoặc sử dụng loại xà phòng dịu nhẹ, không gây dị ứng và không có mùi thơm.

Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên vỗ nhẹ để da bé khô và không chà xát. Sau đó, phụ huynh cần bôi loại kem dược phẩm được bác sĩ kê toa; thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ.

Ông Rajvanshi cũng khuyên phụ huynh sử dụng chất tẩy rửa và làm mềm vải không có mùi thơm để giảm các chất gây kích ứng tiếp xúc với da bé. Đồng thời, phụ huynh nên để trẻ mặc quần áo cotton càng nhiều càng tốt.