Thiếu vitamin D

Cơ thể trẻ cần vitamin D để hấp thụ  và chuyển hóa canxi, phospho. Không chỉ vậy, Vitamin D cũng giúp cơ bắp, dây thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt.

Trẻ bị thiếu vitamin D sẽ có những biểu hiện như đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, thóp rộng, chậm liền thóp, trẻ dễ bị kích thích như hay bực tức, khó chịu…

Để bổ sung vitamin D, bố mẹ cần cho trẻ tắm nắng hàng ngày. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý vì vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thụ canxi, phospho, ánh nắng mặt trời cần chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lớp quần áo thì sẽ còn rất ít tác dụng.

Do đó, bố mẹ nên để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút/lần (buổi sáng nên trước 9 giờ, buổi chiều sau 4 giờ).

Bên cạnh đó, cho trẻ bú sữa mẹ và ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, bơ, phô mai, cua, tôm, cá…

Một số thực phẩm giàu vitamin D - Ảnh minh họa: Internet

Thêm một lưu ý nhỏ, Vitamin D là loại tan trong dầu. Vì vậy, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì cũng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D của trẻ.

Thiếu vitamin A

Vitamin A là một vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất, thị giác, kháng thể.

Khi thiếu vitamin A, da của trẻ bị khô ráp sần sùi, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, mắt có cảm giác khô, sợ ánh sáng.

Ngoài ra, trẻ bị quáng gà vào lúc chập choạng tối. Khi trẻ còn bé, trẻ có thể nhầm người khác là mẹ, trẻ hay vấp ngã hoặc va vào đồ vật. Khi trẻ lớn hơn, trẻ thường ít hoạt động mà ngồi yên một góc. Trẻ bị thiếu vitamin A thường chậm tăng trưởng xương, lười vận động, không chịu chơi.

Để phòng chống nguy cơ thiếu vitamin A, bố mẹ cần cho trẻ đi uống vitamin A theo lịch của cơ sở y tế (6 tháng một lần).

Trẻ từ 6 tháng - 3 tuổi cần được uống bổ sung vitamin A - Ảnh minh họa: Internet

Đồng thời cho trẻ ăn bổ sung những thức ăn giàu vitamin A như thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng.

Hoặc các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều chất tiền vitamin A (Beta-carotene) như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm như rau ngót, rau dền, rau cải xanh, rau muống, rau đay, rau mồng tơi, dầu cọ và các loại dầu ăn khác.

Vitamin A tan trong chất béo nên chế độ ăn cần có đủ dầu ăn hoặc mỡ để giúp trẻ hấp thu và chuyển chất tiền vitamin A sang dạng vitamin A.

Thiếu kẽm

Thiếu kẽm nhẹ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Kẽm giúp khứu giác và vị giác của trẻ phát triển.

Khi cơ thể trẻ thiếu kẽm, bữa ăn sẽ không còn hấp dẫn với trẻ dẫn tới biểu hiện như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chán ăn hoặc giảm ăn, không ăn thịt cá. Đồng thời, kẽm giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và viêm.

Kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn - Ảnh minh họa: Internet

Thức ăn nhiều kẽm như tôm đồng, hàu, sò, gan lợn, sữa… cần được bố mẹ cho trẻ ăn tăng cường. Đồng thời, nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây như cam, quýt, bưởi.. để trẻ có thể hấp thụ kẽm tốt hơn.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội