Chuối được biết đến là một trong những loại trái cây được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới với hàm lượng dinh dưỡng cao. 

Theo lời khuyên của các chuyên gia, mỗi người nên ăn 1-2 trái chuối mỗi ngày là có thể bổ sung đầy đủ các chất tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Nếu bạn còn lười ăn chuối thì cùng tìm hiểu thêm một số thông tin về loại trái cây dinh dưỡng này để có thêm động lực nhé.

Thành phần dinh dưỡng trong chuối

Chuối được xem là loại trái cây ngon - bổ - rẻ bậc nhất trong các loại trái cây. Chuối rất tốt cho sức khỏe, bởi sự hội tụ nhiều dinh dưỡng trong một thức quả. Bao gồm chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C, các chất chống oxy hóa và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Đặc biệt, chuối rất giàu carbohydrates - giúp điều chỉnh lượng đường huyết và cải thiện sức khỏe đại tràng.

Chuối chất nhiều chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C, các chất chống oxy hóa - Ảnh minh họa: Internet

Kali: Khi nhắc đến dinh dưỡng trong một quả chuối, Kali là thành phần đầu tiên phải kể đến. Bởi chuối rất giàu Kali (trong 100 gram thịt chuối, có 396mg Kali), một chế độ ăn được bố sung kali có thể hỗ trợ giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao và rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. 

Những người bị huyết áp cao nên ăn 2 trái chuối mỗi ngày sẽ giúp huyết áp duy trì ổn định và tốt cho sức khỏe. Với lượng Kali dồi dào có tác dụng ngăn chặn sự bài tiết của Canxi trong nước tiểu, giảm nguy cơ bị sỏi thận.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt Kali trong cơ thể còn là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp: stress, căng thẳng, xúc động mạnh, dễ buồn bực. Vì thế chuối sẽ là lựa chọn tốt nhất cho những ai mong muốn trí não hoạt động mạnh, nhạy bén và linh hoạt hơn.

Vitamin B6: Chuối rất giàu vitamin B6. Trung bình một quả chuối có thể cung cấp tới 33% nhu cầu vitamin B6 hàng ngày. 

Vitamin nhóm B và Canxi xuất hiện trong chuối cũng góp phần điều hòa đường huyết, ổn định thần kinh, tập trung trí tuệ. Do đó, lời khuyên xin được dành riêng cho các chị em phụ nữ, chúng ta nên ăn 2 trái chuối mỗi ngày để làm giảm chứng bực bội trước kì kinh nguyệt, điều chỉnh tâm lý cực kì tốt.

Vitamin C: Hàm lượng vitamin C trong chuối cũng rất cao. Hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Đặc biệt, bên cạnh những dinh dưỡng được hấp thụ từ bên trong, chuối còn hỗ trợ các chị em làm đẹp da từ bên ngoài. Bằng cách đắp mặt nạ trực tiếp từ chuối, hoặc trộn cùng sữa chua, cung cấp ẩm cực tốt cho làn da thiếu nước, đem lại cho bạn làn da mịn màng, đều màu và căng sáng dần.

Cách nấu chè chuối đơn giản, nguyên liệu lại dễ tìm - Ảnh minh họa: Internet

Vào những ngày nắng hè oi ả, được giải nhiệt bằng chén chè chuối mát lạnh, ngọt thanh thì còn gì tuyệt vời hơn. Món quà vặt vừa lạ miệng, vừa bổ dưỡng này sẽ là sự lựa chọn khó cưỡng cho mùa hè.

Cách nấu chè chuối ngon khó cưỡng

Nguyên liệu nấu chè chuối cho 4 người ăn:

- Chuối chín: 2 - 3 quả (khoảng 250 - 400g)

- Bột báng: 20g

- Nước cốt dừa: 400ml - 500ml (tùy khẩu vị)

- Lạc rang thơm tách vỏ: 50g (khoảng 1 nắm tay)

- Vài lát gừng thái sợi: 5g

- Đường cát trắng hoặc đường phèn: 150g - 250g (tùy khẩu vị)

- Muối: 1/2 thìa cafe

- Bột năng hoặc bột bắp hoặc bột sắn dây: 3 thìa cafe.

Thực hiện:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, bột báng đem rửa sạch, loại bỏ tạp chất, rồi ngâm với nước khoảng 15 phút cho đến khi bột nở ra. Sau đó, chắt nước để ráo.

Trong lúc đợi bột báng nở, chúng ta sơ chế phần chuối, loại bỏ vỏ, phần hư và cắt khúc thành những khoanh tròn vừa ăn (khoảng 1cm).

Sau đó, ướp chuối với một nửa phần đường đã đong và muối rồi lắc nhẹ để chuối thấm đều gia vị mà không bị nát. Chuối được ướp trong 20 – 30 phút cho đến khi đường tan hết và quyện với chuối thành hỗn hợp sền sệt.

Đậu phộng rang thơm, giã dập, tránh giã quá nát sẽ làm mất độ giòn của đậu.

Chuối bỏ vỏ cắt khúc thành những khoanh tròn vừa ăn - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2: Đun sôi 250ml nước, từ từ cho chuối vào đun cùng khoảng 10 phút, đến khi chuối vừa chín mềm là được. Tránh đun quá lâu, sẽ làm nát chuối và mất đi nhiều dưỡng chất.

Bước 3: Tiếp theo cho bột báng, gừng thái sợi, nước cốt dừa vào nấu cùng khoảng 3 - 5 phút, đợi bột báng trắng trong rồi nêm thêm đường cho vừa khẩu vị của gia đình. Trong chuối đã có vị ngọt tự nhiên, không nên sử dụng quá nhiều đường cho các món có nguyên liệu chính từ chuối. Như vậy sẽ giữ được vị ngọt thanh và tốt hơn cho sức khỏe.

Mẹo: Gừng giúp làm ấm bụng, tăng cường hệ miễn dịch, khi nấu các món ăn kèm nước cốt dừa, ta nên sử dụng kèm với gừng để kích thích hương vị món ăn và giúp tiêu hóa tốt hơn.

Để bảo quản món chè chuối nước cốt dừa này được lâu hơn, chúng ta không nên nấu nước cốt dừa chung vào chè. Hãy chế biến một hỗn hợp nước cốt dừa ăn kèm (hơi ngọt và sánh) để thưởng thức cùng chè chuối.

Bước 4: Cuối cùng là hòa tan bột năng với nước và đổ dần dần vào nồi, khuấy đều tay đến khi chè hơi sệt lại là được. Không nên sử dụng quá nhiều bột năng, vì có thể làm cho chè đặc sệt lại khi để nguội.

Múc chè chuối nước cốt dừa ra chén và rắc đậu phộng lên trên - Ảnh minh họa: Internet

Như vậy là đã hoàn thành món chè chuối siêu ngon xua tan nắng hè, múc chè ra chén và rắc đậu phộng lên trên là đã có ngay phần chè chuối nước cốt dừa thơm ngon khó cưỡng.

Chè chuối ngon cần có vị ngọt thanh của chuối, béo ngậy của nước cốt dừa cùng chút giòn giòn, thơm thơm của đậu phộng. Mòn chè này có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích mỗi người. 

Cách nấu chè chuối thập cẩm - Cách nấu chè chuối chưng

Thêm một vài nguyên liệu ưa thích vào món chè chuối truyền thống là đã có ngay món chè chuối lạ miệng, vô cùng hấp dẫn.

Nguyên liệu:

- Chuối chín: 2 - 3 quả

- Khoai lang: 1 - 2 củ

- Bột báng: 1/2 chén

- Nước cốt dừa: 400ml - 500ml

- Lạc rang thơm tách vỏ

- Vài lát gừng thái sợi: 5g

- Đường cát trắng hoặc đường phèn: 150g - 250g

- Muối: 1/2 thìa cafe

- Bột năng hoặc bột bắp hoặc bột sắn dây: 3 thìa cafe.

Thực hiện:

Chuối lột vỏ, cắt khoanh vừa ăn. Ướp 2 muỗng canh đường vào chuối, khoảng 15-30 phút cho đường ngấm vào.

Bột báng ngâm nước lạnh cho nở ra.

Khoai lang gọt vỏ, ngâm nước cho ra hết nhựa. Cắt khối vuông con cờ, rồi đem luộc chín.
Dừa vắt lấy nước cốt, hớt lớp dừa béo trên mặt để riêng.

Khoai lang gọt vỏ, ngâm nước cho ra hết nhựa, cắt khối vuông con cờ, rồi đem luộc chín - Ảnh minh họa: Internet

Phần nước dừa loãng pha thêm nước luộc khoai lang (tổng cộng gần 1 lít), thêm đường và một chút muối, nấu sôi lên. Cho bột báng vào nấu. Lưu ý bạn nên quậy liên tục để tránh bột báng bị khét dính dưới đáy nồi.

Kế đến cho chuối, khoai lang, phần nước cốt dừa còn lại vào. Nấu khoảng 15 phút với lửa vừa, cho chuối mềm và bột báng nở đều, trong suốt là được. Tuỳ chuối ngọt nhiều hay ít, nên nếm lại lần cuối xem đã ngọt đậm đà chưa là hoàn tất.

Chuối mềm và bột báng nở đều, trong suốt - Ảnh minh họa: Internet

Cách nấu chè chuối khoai lang (chè chuối thập cẩm) cũng thật đơn giản nhưng không hề đơn điệu phải không nào, cùng vào bếp thử trổ tài ngay các chị em nhé! 

Mách các chị em chỉ cần thay thế khoai lang thành khoai môn thì sẽ có ngay cách nấu chè chuối khoai môn nhé.

Cách nấu chè chuối nướng

Nguyên liệu

- Chuối: 5- 8 quả
- Nếp: 200g
- Nước cốt dừa: 400ml
- Đậu phộng rang
- Bột năng
- Đường, muối
- Lá chuối.

Thực hiện

Bước 1: Nấu xôi bọc chuối
– Ngâm nếp cùng với nước lọc và 1/2 muỗng cà phê muối khoảng 4-6 tiếng cho mềm ra.

– Cho nếp vào xửng hấp hoặc nồi nấu, nếu hấp bằng xửng thì chia nhỏ 200ml nước cốt dừa rưới vào xôi nhiều lần và đảo đều, nếu nấu bằng nổi thì cho 200ml nước cốt dừa và nước lạnh sao cho lượng nước này được ngập mặt nếp, và nấu chín mềm.

Bước 2: Nướng chuối
– Trong lúc xôi vẫn còn đang nóng, dở xôi ra khay, dàn mỏng, cho chuối vào rồi chúng ta hãy cuộn tròn lại sao cho nếp được bao bọc đều quanh trái chuối (có thể trải 1 lớp màng bọc thực phẩm bên dưới xôi để bọc chuối dễ dàng hơn).

– Lăn thật đều sao cho bó xôi chặt vào chuối. Cứ thế lần lượt làm làm cho đến hết.

Quấn 1 lớp lá chuối bên ngoài bó xôi và nướng ở nhiệt độ 250 độ C - Ảnh minh họa: Internet

- Quấn 1 lớp lá chuối bên ngoài bó xôi và nướng ở nhiệt độ 250 độ C, trong khoảng 20 phút. Sau đó trở mặt chuối, nướng tiếp tục trong 10 phút để phần nếp này được chín vàng đẹp mắt.

Bước 3: Pha nước cốt dừa
– Cho vào nồi 200ml nước cốt dừa cùng với 2 muỗng canh đường và 1/4 thìa cafe muối.

– Nấu đến khi nước cốt dừa sôi lên, thì hoà tan 1 muỗng canh bột năng với một chút nước lạnh, rồi cho vào nồi, khuấy đều tay cho nước cốt dừa được sánh lại nặng tay là được.

Bước 4: Hoàn thành món chè chuối nướng

Cắt chuối nếp nướng thành những khoanh vừa ăn - Ảnh minh họa: Internet

– Cắt chuối nếp nướng thành những khoanh vừa ăn, rưới đều nước cốt dừa và rắc 1 ít đậu phộng rang giã dập là đã hoàn tất món chè chuối nướng thơm lừng, béo ngậy.

Giờ đây, đã quá dễ dàng để chế biến các món chè chuối siêu ngon tại nhà mà không cần phải loay hoay, lúng túng. Các cách nấu chè chuối trên đây hy vọng đã thêm một vài món ngon vào thực đơn của gia đình bạn. Hãy cùng bắt tay vào thực hiện món chè chuối ngon lành và đầy dinh dưỡng để mời cả gia đình cùng thưởng thức.