Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh zona. Ảnh: Healthline.

Các chuyên gia nhấn mạnh những người có hệ thống miễn dịch yếu thường tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn. Đây có thể là lý do dẫn đến việc nhiều trường hợp người già mắc bệnh zona thần kinh.

Trang Healthwise thông tin bệnh zona hay herpes zoster là một bệnh nhiễm virus, xảy ra do sự tái hoạt động của virus varicella-zoster (virus gây bệnh thủy đậu).

Chia sẻ với Healthwise, tiến sĩ, bác sĩ tư vấn da liễu Oluwatoyin Akinsiku và bác sĩ Charles Ogueri, Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Fesock, giải thích bệnh zona thường đi kèm với cơn đau và đặc trưng là phát ban gây cảm giác đau đớn. Không những vậy, cơn đau do bệnh zona gây ra có thể rất dữ dội, kéo dài, khó điều trị.

Nguyên nhân và biến chứng của bệnh zona

Theo tiến sĩ Akinsiku, bệnh zona xảy ra do sự thất bại của hệ thống miễn dịch trong việc ngăn chặn nhiễm trùng thủy đậu tiềm ẩn và biểu hiện của nó cũng phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch.

Bà Akinsiku giải thích những người chưa từng tiếp xúc với tình trạng này chắc chắn đã mắc bệnh thủy đậu và đây là biểu hiện phổ biến ở trẻ em.

"Việc tái kích hoạt sẽ xảy ra sau nhiều năm bị nhiễm trùng ban đầu, nó diễn ra trong bối cảnh hệ miễn dịch bị ức chế bởi những bệnh như tiểu đường, HIV, bệnh nền sẵn có, sử dụng steroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch khác, đôi khi do tuổi già", bà Akinsiku nói.

Bà Akinsiku cho biết bệnh zona thường gây đau đớn và xảy ra dọc theo lớp da. Cơn đau này diễn ra sau vài ngày (1-10 ngày) do sự bùng phát của các mụn nước dọc theo vùng da đó.

Cơn đau liên quan đến bệnh zona đôi lúc sẽ tự khỏi sau khi kéo dài khoảng 2 tuần. Đôi khi, nó cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng (đây là dạng phổ biến hơn) và kéo dài rất lâu sau khi hết phát ban. Đi kèm với tình trạng này là đau đầu, sợ ánh sáng, đau cơ cùng các triệu chứng khác, tùy thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

Theo bà Akinsiku, phát ban có thể mất đến một tháng để khỏi hoàn toàn, trong khi đó, cơn đau thường kéo dài hơn một tháng, thậm chí sau khi phát ban biến mất. Tuy nhiên, bà lưu ý không phải ai bị thủy đậu cũng sẽ bị zona.

"Bệnh zona phát triển khi hệ thống miễn dịch không thể chống lại virus varicella-zoster do ức chế miễn dịch hoặc những nguyên nhân từ căng thẳng đến các bệnh khác. Những người lớn tuổi mắc bệnh zona nhiều hơn bởi tuổi cao và khả năng miễn dịch suy giảm. Bên cạnh đó, nguy cơ bị liệt mặt chỉ xảy ra khi một người bị bệnh zona ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể bị suy giảm thính giác, chóng mặt, thay đổi vị giác, liệt một bên mặt", bà Akinsiku nói.

Cũng theo tiến sĩ Akinsiku, bệnh zona không có cách chữa trị vĩnh viễn. Vì vậy, người dân cần phải tiêm vaccine phòng bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra có sự khác biệt về chủng tộc khi mắc bệnh zona, nhưng đây không phải là căn bệnh có yếu tố di truyền.

Bệnh zona bắt nguồn từ việc mắc thủy đậu trước đó. Ảnh: Rush University Medical Center.

Cách tốt nhất ngăn bệnh zona là tiêm vaccine

"Một trong những cách phòng bệnh zona tốt nhất là tiêm phòng. Nó được đánh giá là mang lại hiệu quả đến 90%. Việc tiêm phòng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh zona và các biến chứng của nó ở người lớn có độ tuổi từ 50 trở lên, thậm chí cả những người từ 60 tuổi trở lên", ông Ogueri nói.

Theo ông Ogueri, mỗi người cũng có thể phòng ngừa bệnh zona bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch kém có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Do đó, người dân phải ngăn chặn việc suy giảm hệ thống miễn dịch và không tiếp xúc với người đã mắc bệnh Zona.

Bác sĩ Ogueri cho biết bệnh zona sẽ gây đau đớn - đôi khi đi kèm với triệu chứng sốt - nên những người mắc bệnh này thường được kê đơn thuốc giảm đau. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống viêm để giúp quá trình lành vết thương diễn ra nhanh hơn và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng sau này.

Một nghiên cứu được công bố bởi Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ cho biết bệnh zona không thể xảy ra ở những người chưa từng tiếp xúc với thủy đậu. Một nghiên cứu khác do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh thực hiện đau dây thần kinh Postherpetic là biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona.