Cách bớt đau khi chuyển dạ sinh con
Bác sĩ Lục Chánh Trí, Bệnh viện Quốc tế City cho biết chuyển dạ là quá trình giúp thai nhi và nhau được đưa ra khỏi buồng tử cung qua ngã âm đạo. Các dấu hiệu báo chuyển dạ gồm đau bụng do gò tử cung từng cơn, đều đặn, tăng dần, trung bình 3 cơn gò trong 10 phút, ra dịch nhầy hồng ở âm đạo, ra nước ối.
Nguyên nhân gây đau ở giai đoạn sớm do cơn gò tử cung, căng giãn cổ tử cung. Sau đó đau là do căng giãn âm đạo, vùng tầng sinh môn và âm vật, rách mô mềm vùng âm đạo, tầng sinh môn.
Bác sĩ Trí hướng dẫn một số phương pháp giúp kiểm soát đau không dùng thuốc:
- Thư giãn bằng cách không tập trung vào cơn đau, nói chuyện với người nhà, thì thầm với bé, nghĩ đến những chuyện vui sẽ đến khi bé chào đời.
- Hít thở: hít mũi - thở miệng hay hít miệng - thở miệng, hít sâu - thở chậm.
- Thay đổi tư thế: đi lòng vòng, vung vẩy, nếu bị hạn chế trên giường sinh nên cử động tay, chân, nằm nghiêng, ngồi.
- Xoa bóp.
- Nước ấm giúp giảm đau giai đoạn sớm. Chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả và tính an toàn của việc sinh con dưới nước.
Trường hợp mẹ bầu quá đau, sức bền không tốt, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp kiểm soát đau có dùng thuốc:
- Khí entonox: là hỗn hợp khí N2O/O2 theo tỷ lệ 50:50. Thời gian bắt đầu tác dụng khoảng 15-20 giây, hít chậm và sâu khi có cơn gò tử cung. Không tác dụng phụ nguy hiểm trên mẹ và thai nhi, có thể gây nhức đầu nhẹ, buồn ngủ, mất tập trung.
- Giảm đau ngoài màng cứng: là thủ thuật đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng vùng thắt lưng qua một ống thông nhỏ. Sản phụ tự kiểm soát việc dùng thuốc tê nhiều lần qua máy bơm tiêm điện, tác dụng sau 15-20 phút tiêm thuốc.
Giảm đau ngoài màng cứng có thể gặp một số tác dụng phụ như tụt huyết áp, buồn nôn, nhiễm trùng, đau lưng... Chống chỉ định cho người nhiễm trùng nơi tiêm, rối loạn đông máu, bệnh tim, gan nặng.
- Gây tê tủy sống: là thủ thuật đưa thuốc tê vào khoang dưới nhện qua một cây kim rất mảnh. Tác dụng sau vài phút và kéo dài 60-120 phút, thường áp dụng cho giảm đau sinh mổ. Một số tác dụng phụ là tụt huyết áp, buồn nôn, nhiễm trùng, đau lưng...
- Nhóm thuốc giảm đau trung ương, còn gọi là nhóm thuốc phiện, được tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, bao gồm pethidine, morphine... Có thể ảnh hưởng gây ngầy ngật, buồn nôn ở mẹ, ức chế hô hấp ở bé, ít được khuyên dùng.
Theo bác sĩ Trí, sinh nở là quá trình tự nhiên, khả năng chịu đau khác nhau ở mỗi người, không có hai cơn đau đẻ như nhau. "Sinh nở không phải là một cuộc kiểm tra sức chịu đựng nên yêu cầu một phương pháp giảm đau không phải là một thất bại", bác sĩ Trí chia sẻ.
Thai phụ nên tìm hiểu thông tin và tham gia các lớp học trước sinh để biết cách kiểm soát cơn đau, hít thở đúng cách và đúng lúc. Đăng ký tham dự miễn phí lớp học "Kiểm soát cơn đau trong chuyển dạ" tại Bệnh viện Quốc tế City sáng 28/10, điện thoại 0987.853.793.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.