Các giai đoạn phát ban của đậu mùa khỉ
Theo báo cáo trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện ra ngoài bằng nhiều cách khác nhau. Bệnh diễn biến từ các triệu chứng toàn thân như sốt, sưng tấy đến một số biểu hiện tổn thương trên da.
Những tổn thương trên da này cũng được nhận định là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đậu mùa khỉ. Thực tế ở các bệnh nhân cho thấy tổn thương này có vẻ ngoài tương tự các nốt mụn nhọt hoặc mụn nước.
Tuy nhiên, chúng có những đặc điểm riêng để người bệnh và bác sĩ phân biệt với các bệnh da liễu khác.
Phát ban ở từng giai đoạn
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC), các tổn thương trên da của bệnh đậu mùa khỉ tiến triển qua 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn thường kéo dài khoảng 1-2 ngày.
Các giai đoạn này gồm:
- Tổn thương dạng phẳng
- Tổn thương dạng lồi
- Mụn nước (Tổn thương chứa dịch lỏng)
- Mụn mủ (Tổn thương bị viêm và có mủ)
Sau khi trải qua 4 giai đoạn trên, đa số trường hợp các tổn thương sẽ hồi phục, đóng vảy và bong ra. Tổng thời gian bị bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần.
Các tổn thương trên da này có thể xuất hiện ở mọi bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, thường thấy nhất là ở bộ phận sinh dục, bàn tay, bàn chân, ngực và mặt.
Đáng chú ý, chúng cũng có thể xuất hiện bên trong cơ thể, ở các bề mặt niêm mạc như miệng, hậu môn hoặc âm đạo.
US CDC thông tin giai đoạn khởi phát của đậu mùa khỉ khá tương đồng với cúm. Tức ban đầu, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng sốt cao.
Từ đây, nếu phát hiện một vết sưng hoặc mụn nước trên da nhưng sức khỏe hoàn toàn ổn định, không sốt hay mệt mỏi, nhiều khả năng da của chúng ta đang phản ứng với một tác nhân khác, không phải đậu mùa khỉ.
Thông thường, các triệu chứng tương tự cúm ở bệnh nhân đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện sau 3 tuần kể từ thời điểm cơ thể tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ.
Sau khoảng 1-4 ngày tiếp theo, tình trạng phát ban sẽ xuất hiện.
Tổn thương do đậu mùa khỉ nhìn như thế nào?
Theo Giáo sư Christine Ko, Trường Y khoa Đại học Yale (Mỹ), nếu chúng ta có thể tự mình lấy ra bất cứ vết sưng hay nốt mụn nào trên da trong vòng 4 ngày, chúng không phải biểu hiện của đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia không khuyến cáo mọi người gãi các vết sưng, phồng rộp. Thay vào đó, chúng ta có thể kiểm tra nhẹ nhàng khu vực tổn thương để xác định tình trạng bệnh.
“Nếu dùng móng tay cạo nhẹ vào vết tổn thương nhưng chúng nằm trên da chắc chắn, không bị bật ra, đó sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại”, Giáo sư nói.
Các tổn thương trên da do đậu mùa khỉ gây ra có thể khác nhau về màu sắc tùy thuộc vào màu da hoặc giai đoạn bệnh.
Các nốt mụn thường có màu trắng đục hoặc màu trắng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể mang màu đỏ, hồng, nâu hoặc tím.
Ghi nhận cho thấy đa phần tổn thương trên da do đậu mùa khỉ trong giai đoạn đầu có kích thước khá nhỏ, có thể tương đương một hạt gạo hoặc nhỏ hơn.
“Do kích thước nhỏ, các vết ban này dễ bị bỏ qua bởi người không có chuyên môn y khoa”, vị chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, bác sĩ Lida Zheng, Trợ lý giáo sư da liễu và y khoa tại trường Đại học Y Feinberg, cho hay những vết sưng này có thể đem lại cảm giác đau dần theo thời gian.
Các bệnh nhân thường ít cảm thấy khó chịu khi các tổn thương ở giai đoạn dạng phẳng. Tuy nhiên, cảm giác đau xuất hiện khi chúng bước sang giai đoạn mủ.
Vị chuyên gia cũng thông tin các bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác đau và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, các trường hợp tổn thương ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn có thể cho cảm giác rất đau đớn khi đi tiểu hoặc đại tiện.
Mặt khác, khi các tổn thương này lành lại, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa.
Làm gì khi nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ?
Theo BS Zheng, trong các trường hợp xuất hiện phát ban và nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, bệnh nhân cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng khuyên người dân nên cố gắng mô tả các triệu chứng của mình, thậm chí gửi ảnh, video tình trạng bệnh cho bác sĩ để được đánh giá chính xác.
Đồng thời, trong thời gian chờ đợi tới thời điểm tới bệnh viện, các bệnh nhân nên chủ động cách ly bản thân và giữ cho vùng tổn thương kín, sạch sẽ.
“Mọi người có thể thoa một chút kem dưỡng ẩm và đeo băng che vết tổn thương lại. Việc làm này sẽ giữ cho khu vực này đảm bảo độ ẩm, sạch, qua đó đẩy nhanh quá trình hồi phục, ngăn nhiễm trùng”, BS Zheng nói thêm.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....