Viêm gan B là bệnh lý khá phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó có trẻ sơ sinh. Thông thường, nguyên nhân dẫn đến viêm gan B ở trẻ sơ sinh là do lây nhiễm từ người mẹ hoặc người bị mắc bệnh. Theo đó, do cơ địa còn yếu và hễ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên việc điều trị bệnh của trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, những dấu hiệu xuất hiện virus viêm gan B và diễn biến của bệnh cũng rất phức tạp nên nếu chủ quan sẽ rất khó điều trị, thậm chí dẫn đến mãn tính và có nguy cơ khiến trẻ bị xơ gan, ung thư gan. Không chỉ vậy, do trẻ còn quá nhỏ không thể diễn tả sự mệt mỏi bằng lời được nên bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bên ngoài để xác định tình trạng bệnh.

Bệnh viêm gan B có diễn biến rất phức tạp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: Internet

Vàng da, vàng mắt

Đây là hai dấu hiệu dễ nhận biết nhất bệnh viêm gan B ở trẻ bởi lúc này các chức năng lọc thải chất độc của gan đã bị suy giảm. Đồng thời, lượng billirubin trong gan quá cao sẽ tan trong máu và thể hiện ra bằng các sắc tố bên ngoài da. Theo đó, khi thấy trẻ xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt thì bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cũng như được điều trị kịp thời.

Sốt

Khi mắc viêm gan B, các kháng thể trong cơ thể trẻ sẽ hoạt động để chống lại virus. Từ đó, dẫn đến những cơn sốt nhẹ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì triệu chứng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, cũng không nên chủ quan với những cơn sốt của trẻ vì khi kéo dài nó có thể gây co giật, làm ảnh hưởng trầm trọng đến hệ thần kinh. Không chỉ vậy, sốt còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở trẻ nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.

Các triệu chứng của viêm gan B ở trẻ sơ sinh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, vì vậy nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường thì bố mẹ nên sớm đưa con đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác. Ảnh minh họa: Internet

Trẻ sơ sinh thường xuyên quấy khóc

Một số biểu hiện khác của bệnh viêm gan B ở trẻ là thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lười bú,... làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự vận động của các cơ quan trong cơ thể. Vì thế mà trẻ thường xuyên quấy khóc, thậm chí cả đêm cũng không ngủ được vì khó chịu. Đây cũng là triệu chứng rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm vì nó có thể khiến sức khỏe của trẻ suy kiệt.

Rối loạn hệ tiêu hóa

Gan là cơ quan góp phần vào sự tiết mật và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nên khi bị viêm gan B, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, trẻ sẽ thường xuyên có cảm giác đau bụng kèm theo các hiện tượng như nôn ói, đi ngoài phân lỏng,... Theo đó, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hấp thụ các dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể khiến bé luôn mệt mỏi và yếu ớt.