Các biện pháp tránh thai khẩn cấp
Biện pháp tránh thai khẩn cấp nếu sử dụng càng sớm thì hiệu quả càng cao. Người nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khẩn cấp nhưng cần lưu ý biện pháp này không giúp ngăn ngừa được những bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV/AIDS.
Các biện pháp tránh thai khẩn cấp thường được sử dụng gồm: viên thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin, viên thuốc tránh thai kết hợp, dụng cụ tử cung chứa chất đồng.
Thực hiện biện pháp tránh thai khẩn cấp
Để thực hiện biện pháp tránh thai khẩn cấp đạt được hiệu quả cao, việc tư vấn của nhân viên y tế đối với người phụ nữ cần can thiệp biện pháp rất cần thiết. Nhân viên y tế phải lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của người phụ nữ về việc thực hiện các biện pháp tránh thai khẩn cấp; cần tư vấn, giải thích rõ về hiệu quả, những thuận lợi và không thuận lợi khi sử dụng các biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Lưu ý việc nói rõ với người phụ nữ là biện pháp tránh thai này không có hiệu quả cao, không có tác dụng phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và nên sử dụng một biện pháp tránh thai khác nếu có quan hệ tình dục thường xuyên; đồng thời cũng khuyến cáo biện pháp tránh thai khẩn cấp cần được sử dụng càng sớm càng tốt, nếu sử dụng muộn thì hiệu quả sẽ càng giảm.
Cần cho người phụ nữ xem kỹ viên thuốc và hướng dẫn cách sử dụng một cách cụ thể, đồng thời cũng cho biết các tác dụng phụ và những khó khăn có thể gặp phải như ra máu âm đạo hoặc buồn nôn, nôn.
Ngoài ra cũng nên tư vấn cho người phụ nữ về sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai khẩn cấp. Lưu ý nhắc người phụ nữ kiểm tra tình trạng có thai nếu thấy chậm kinh sau khi sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp để có cách xử trí tiếp theo.
Cơ sở y tế và nhân viên y tế phải hỏi kỹ tiền sử của người phụ nữ và khám lâm sàng để phát hiện trường hợp chống chỉ định dùng các biện pháp tránh thai khẩn cấp theo nội dung quy định, đồng thời việc thăm khám cũng rất cần thiết để loại trừ trường hợp có thai.
Thời điểm sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi giao hợp, thường trong khoảng thời gian 72 giờ nếu sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc viên thuốc tránh thai kết hợp và trong khoảng thời gian 5 ngày tương ứng với 120 giờ nếu sử dụng dụng cụ tử cung; nên biết rằng hiệu quả tránh thai khẩn cấp sẽ giảm dần mỗi ngày nếu sử dụng biện pháp chậm.
Nếu biết chắc chắn ngày rụng trứng, biện pháp đặt dụng cụ tử cung để tránh thai khẩn cấp có thể được thực hiện trong vòng 5 ngày sau khi rụng trứng, tức là có thể trễ hơn 5 ngày sau khi giao hợp không được bảo vệ.
Biện pháp tránh thai khẩn cấp được thực hiện tùy theo từng trường hợp áp dụng. Nếu dùng viên thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin: đối với loại 1 viên có hàm lượng 1,5mg levonorgestrel hoặc 3mg norgestrel uống một viên liều duy nhất; đối với loại 2 viên có hàm lượng mỗi viên chứa 0,75mg levonorgestrel thì uống làm hai lần, mỗi lần một viên cách nhau 12 giờ hoặc uống một lần cả 2 viên.
Nếu dùng viên thuốc tránh thai kết hợp khi không có viên thuốc tránh thai khẩn cấp: uống 2 lần cách nhau 12 giờ; mỗi lần 4 viên (mỗi viên chứa 30mcg ethinyl estradiol và 0,15mg hoặc 0,125mg lenovorgestrel) đảm bảo ít nhất mỗi lần có hàm lượng 0,1mg ethinyl estradiol và 0,5mg levonorgestrel (hoặc 1mg norgestrel hoặc 2mg noresthisteron).
Nếu dùng dụng cụ tử cung chứa chất đồng, phải lựa chọn thích hợp cho những người phụ nữ muốn tiếp tục sử dụng biện pháp dụng cụ tử cung tránh thai.
Sử dụng biện pháp tránh thai sau sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp
Một vấn đề cần lưu ý khuyến cáo đối với người phụ nữ là trừ biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng cách đặt dụng cụ tử cung có chất đồng, các biện pháp tránh thai khẩn cấp dùng thuốc chỉ có tác dụng bảo vệ tránh thai trong lần giao hợp đó mà thôi.
Do các biện pháp tránh thai khẩn cấp có dùng thuốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của hệ nội tiết nên không được dùng như là một biện pháp tránh thai thường xuyên.
Cơ sở y tế và nhân viên y tế cần tư vấn cho người phụ nữ nên bắt đầu sử dụng một biện pháp tránh thai khác sau khi dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp như: uống viên thuốc tránh thai kết hợp, viên thuốc tránh thai chỉ có progestin; tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung; dùng bao cao su, màng ngăn âm đạo, phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo; tính theo vòng kinh...
Uống viên thuốc tránh thai kết hợp, viên thuốc tránh thai chỉ có progestin: Cần bắt đầu uống ngay sau ngày uống thuốc tránh thai khẩn cấp, không cần chờ đến kỳ kinh sau. Sử dụng tiếp theo vỉ thuốc đang dùng nếu đang sử dụng vỉ thuốc này hoặc bắt đầu vỉ thuốc mới nếu chưa sử dụng biện pháp tránh thai này trước đó. Nên sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong khoảng thời gian 7 ngày kế tiếp sau khi uống thuốc.
Tiêm thuốc tránh thai: phải bắt đầu tiêm ngay thuốc tránh thai trong ngày uống thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc có thể bắt đầu trong khoảng thời gian 7 ngày sau khi có kinh lại nếu người phụ nữ yêu cầu. Cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong khoảng thời gian 7 ngày kế tiếp sau tiêm thuốc tránh thai. Lưu ý nhắc người phụ nữ tái khám nếu có dấu hiệu nghi ngờ có thai.
Cấy thuốc tránh thai: sử dụng biện pháp cấy thuốc cấy trong khoảng thời gian 7 ngày đầu của kỳ kinh kế tiếp, có thể trong khoảng thời gian 5 ngày đối với implanon hoặc bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là người phụ nữ không có thai nhưng lưu ý phải sử dụng một biện pháp tránh thai khác trong khoảng thời gian 7 ngày sau khi cấy thuốc tránh thai.
Cần cung cấp các biện pháp tránh thai hỗ trợ hoặc thuốc tránh thai uống bắt đầu từ ngay sau ngày uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong khoảng thời gian chờ đợi cho đến thời điểm cấy thuốc tránh thai.
Đặt dụng cụ tử cung: cần tiếp tục sử dụng dụng cụ tử cung nếu người phụ nữ đã sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai khẩn cấp hoặc bắt đầu đặt ngay dụng cụ tử cung trong ngày khách hàng uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Khi sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng thuốc uống, người phụ nữ có thể bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc
Dùng bao cao su, màng ngăn âm đạo, phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo: Phải được thực hiện ngay lập tức trước khi giao hợp nếu sử dụng bao cao su hay màng ngăn âm đạo hoặc xuất tinh ra ngoài kịp thời nếu sử dụng phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo.
Tính theo vòng kinh: phải bắt đầu tính ngay sau khi người phụ nữ có kinh trở lại theo cách tính và hướng dẫn của cơ sở y tế và nhân viên y tế để tránh những ngày không được giao hợp.
Khó khăn khi sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp và cách xử trí
Khi sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng thuốc uống, người phụ nữ có thể bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc. Cần uống lại liều thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt.
Có thể sử dụng thuốc chống nôn trước khi uống liều lặp lại cho những trường hợp uống viên thuốc tránh thai kết hợp, hoặc liều lặp lại có thể được đặt đường âm đạo nếu người phụ nữ vẫn còn tiếp tục nôn nhiều. Chú ý là phác đồ sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có levonorgestrel để tránh thai khẩn cấp ít gây buồn nôn và nôn hơn so với viên thuốc kết hợp và không khuyến cáo phải sử dụng thuốc chống nôn một cách thường quy trước khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng bao gồm ra huyết âm đạo bất thường, buồn nôn, nôn, căng ngực, nhức đầu và chóng mặt.
Trường hợp sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp bị chậm kinh, cần thực hiện xét nghiệm thử thai hoặc tái khám tại cơ sở y tế để xác định. Theo các nhà khoa học, không có bằng chứng về nguy cơ ảnh hưởng lên thai nhi khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và mang thai.
Khi có dấu hiệu ra máu thấm giọt, cần trấn an người phụ nữ đây không phải là dấu hiệu bất thường và sẽ tự hết không cần điều trị. Đối với người phụ nữ có HIV dương tính hay mắc bệnh AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virút cũng có thể sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Các trường hợp chống chỉ định sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp
Viên thuốc tránh thai khẩn cấp có progestin chống chỉ định sử dụng tuyệt đối trong các trường hợp người phụ nữ có thai và đang bị ung thư vú.
Viên thuốc tránh thai kết hợp chống chỉ định sử dụng tuyệt đối trong các trường hợp người phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh, lớn tuổi từ 35 tuổi trở lên, hút thuốc lá thường xuyên mỗi ngày từ 15 điếu trở lên; có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành như lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp…;
Tăng huyết áp với huyết áp tâm thu từ 160mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 100mmHg trở lên; đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như bệnh lý mạch máu, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, bệnh lý đông máu, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh lý van tim phức tạp, tai biến mạch máu não, cơ địa huyết khối di truyền.
Sắp phẫu thuật phải nằm trên 1 tuần; đau nửa đầu, đang bị ung thư vú; bị tiểu đường có biến chứng thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu; đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid hoặc không làm xét nghiệm; đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như viêm gan cấp tính đang diễn tiến, xơ gan mất bù, u gan ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt.
Dụng cụ tử cung chống chỉ định sử dụng tuyệt đối trong các trường hợp người phụ nữ có thai, nhiễm khuẩn hậu sản, ngay sau sẩy thai nhiễm khuẩn, ra máu âm đạo chưa được chẩn đoán nguyên nhân, bệnh nguyên bào nuôi ác tính hoặc có tình trạng HCG vẫn gia tăng; ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung; đang bị ung thư vú chỉ đối với dụng cụ tử cung giải phóng levonorgestrel, u xơ tử cung hoặc các dị dạng khác làm biến dạng buồng tử cung; đang viêm tiểu khung, viêm mủ cổ tử cung hoặc nhiễm chlamydia, lậu cầu khuẩn; lao vùng chậu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong các biện pháp tránh thai khẩn cấp đã nêu ở trên, biện pháp sử dụng thuốc được người phụ nữ sử dụng khá phổ biến vì kín đáo, tiện dụng và có thể mua dễ dàng ở bất cứ đâu tại nhà thuốc, hiệu thuốc tại địa phương. Tuy vậy khi sử dụng phải có sự hiểu biết cần thiết; đồng thời nên có sự tư vấn, hướng dẫn và khuyến cáo đầy đủ của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để bảo đảm an toàn và đạt được hiệu quả cao của biện pháp.
Lưu ý không được sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp một cách thường xuyên mà nên sử dụng các biện pháp tránh thai thông thường sau khi dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp để tránh những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.