Liên quan đến sự việc một trong số các ca ngộ độc botulinum tại TPHCM thời gian gần đây tử vong trước khi kịp dùng thuốc giải BAT (giá 8.000 USD/lọ), trưa 25/5, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thông tin với Dân trí chi tiết quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân là một người đàn ông 45 tuổi, nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào tối 15/5, từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chuyển đến. Thời điểm này, bệnh nhân được chuyển vào khoa Nội thần kinh trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt 2 bệnh, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, với chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi ngộ độc Clostridium botulinum, phân biệt bằng các cơn nhược cơ cấp và viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính. Bệnh nhân được lấy mẫu phân làm xét nghiệm. Đến ngày 19/5, kết quả cho thấy bệnh phẩm bệnh nhân có gen độc tố C.botulinum type A.

Người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum (bìa phải), thời điểm còn điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: BS).

Trải qua một tuần điều trị, đến ngày 23/5, bệnh nhân gọi biết, cử động được các ngón tay nhưng vẫn sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi. Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu BAT để truyền, bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng phác đồ thở máy, dùng kháng sinh, truyền dịch, ăn qua sonde.

Đến ngày 24/5, bệnh nhân biến chứng suy hô hấp nặng, sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần, đã liệt cơ.

Các bác sĩ hai Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên tục hội chẩn, nhận định độc tố botulinum đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ của người đàn ông. Bệnh nhân được chuyển từ khoa Nội thần kinh xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) để hồi sức chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong vào tối 24/5.

6 lọ thuốc giải độc BAT do WHO viện trợ khẩn cấp về đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định tối 24/5 (Ảnh: Hoàng Lê).

Đáng chú ý, lúc 20h ngày 24/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận lọ thuốc giải độc tố botulinum do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp, chuyển từ kho dự trữ ở Thụy Sĩ sang Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không kịp sử dụng.

Trong khi đó, hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không được chỉ định dùng thuốc giải, vì theo bác sĩ, tình trạng sức khỏe thực tế của họ không cho phép. Các bệnh nhân này cũng đã liệt cơ hoàn toàn.

Đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc botulinum mới. Thuốc giải dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng.

Bác sĩ cho biết, thuốc BAT dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả trong việc điều trị ngộ độc botulinum (Ảnh: Hoàng Lê).

Do đó, đơn vị này đã làm văn bản khẩn gửi Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế, trình bày tính cấp thiết trong việc mua sắm, nhập khẩu thuốc BAT. Phía bệnh viện cũng cho rằng, thuốc giải độc quý hiếm, đắt tiền cần được mua dự trữ như chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của nhà nước.

Từ ngày 13/5, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Trong số 6 bệnh nhân, 3 anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền thuốc giải BAT. Tuy nhiên, có 2 bệnh nhi vẫn đang thở máy, điều trị tại khoa ICU.