Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới bệnh viện Roseland ở Chicago, Mỹ hôm 7/4. (Ảnh: Reuters)

Vào cuối tháng 2, khi Mỹ nghĩ rằng nước này đã kiểm soát được virus corona chủng mới (Covid-19), một người đàn ông ở Chicago, thành phố lớn nhất của bang Illinois, dù có triệu chứng bệnh hô hấp nhẹ vẫn đến dự một đám tang với tư cách là bạn của gia đình người quá cố.

3 ngày sau đó, người đàn ông này tiếp tục tổ chức sinh nhật với những người thân của mình.

Không biết mình bị mắc Covid-19, người đàn ông này đã tạo ra một chuỗi truyền nhiễm, lây bệnh cho 15 người khác, trong đó có 3 người thiệt mạng.

Mãi tới ngày 21/3, cùng khoảng thời gian với nhiều bang khác, Illinois mới áp lệnh phong tỏa.

Thông tin về ca bệnh được Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 8/4.

Trong báo cáo chi tiết về ca siêu lây nhiễm trên, CDC cho biết trường hợp người đàn ông ở Chicago là ví dụ cho thấy tầm quan trọng của việc tuân thủ các khuyến cáo về giãn cách xã hội cũng như lệnh phong tỏa trong việc ngăn chặn dịch Covid-19.

Bệnh nhân đầu tiên

Mọi chuyện bắt đầu xảy ra khi người đàn ông, được gọi là “bệnh nhân đầu tiên”, dùng chung đĩa với hai thành viên của một gia đình trong bữa ăn vào đêm trước đám tang.

Trong bữa tối hôm đó, kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, và đám tang hôm sau, kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, cùng một bữa ăn chung nữa, người đàn ông được cho là đã ôm khoảng 4 người, bao gồm 2 người mà ông đã gặp từ tối hôm trước để chia buồn.

Trong vòng từ 2-6 ngày, 3 người đã xuất hiện các triệu chứng mắc Covid-19, trong đó có một người phải nhập viện và qua đời sau gần 1 tháng. 2 người còn lại được điều trị ngoại trú và đã hồi phục.

Trong khoảng thời gian một bệnh nhân được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực trước khi qua đời, hai bệnh nhân điều trị ngoại trú đã được một thành viên trong gia đình tới thăm. Người tới thăm này không mặc đồ bảo hộ và từng tiếp xúc với “bệnh nhân đầu tiên” trong đám tang. Sau đó, người này đã bị sốt và ho, nhưng may mắn đã hồi phục.

Lây nhiễm dây chuyền


Nhân viên y tế trao đổi với một tài xế trong lúc chờ tới lượt xét nghiệm ở bên ngoài bệnh viện Roseland tại Chicago. (Ảnh: Reuters)

3 ngày sau đám tang, “bệnh nhân đầu tiên” đến dự một bữa tiệc sinh nhật có sự tham gia của 9 thành viên trong gia đình. Ông đã tiếp xúc gần gũi với cả 9 người trong suốt 3 giờ đồng hồ.

3-7 ngày sau bữa tiệc, lần lượt 7 người bị phát hiện mắc Covid-19. 2 người phải nhập viện và điều trị bằng máy thở trước khi qua đời.

2 người tham gia quá trình chăm sóc cho bệnh nhân trước khi người này tử vong, bao gồm một thành viên trong gia đình và một nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, đều có triệu chứng giống như mắc Covid-19. Thành viên trong gia đình dường như đã lây nhiễm cho một người thân khác dù người này không tham dự bữa tiệc sinh nhật.

3 trong số những người dự bữa tiệc sinh nhật đã tới nhà thờ 6 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Họ có thể đã lây nhiễm cho một nhân viên chăm sóc sức khỏe - người đã ngồi gần và trò chuyện với họ trong 90 phút.

CDC cho biết các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm trên có độ tuổi từ 5 đến 86.

"Các cuộc gặp mặt gia đình kéo dài (như tiệc sinh nhật, đám tang và lễ nhà thờ) đều xảy ra trước khi các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện, từ đó tạo điều kiện cho việc lây nhiễm Covid-19 vượt ra khỏi các tiếp xúc trong phạm vi gia đình mà lan ra cộng đồng lớn hơn", CDC nhận định.

Theo AFP, câu chuyện này cũng nhấn mạnh mức độ lây nhiễm của Covid-19 trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm cách hiểu rõ hơn về cách virus này lây lan.

Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, nhiều người cho rằng virus này dễ lây hơn bệnh cúm nhưng lây ít hơn bệnh sởi. Tuy nhiên câu chuyện trên cho thấy Covid-19 thậm chí có thể dễ lây hơn bệnh sởi.

Cách thức lây nhiễm chính của Covid-19 được cho là từ các giọt bắn do ho hoặc hắt hơi trực tiếp vào người, hoặc sau khi chạm vào bề mặt bị nhiễm virus. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần người mắc bệnh thở hoặc nói chuyện cũng đủ để lây nhiễm virus.

Ngoài ra, tỷ lệ lớn những người nhiễm bệnh nhưng không phát triệu chứng, chiếm 25-50% trong số ca nhiễm, càng củng cố cho khuyến cáo của CDC rằng mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Theo Reuters, hiện giới chức Mỹ vẫn tranh cãi về việc có nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không. Một số người lo ngại rằng, việc khuyến cáo đeo khẩu trang có thể sẽ khiến người Mỹ lơ là hơn trong tuân thủ chính sách giãn cách xã hội - biện pháp được đánh giá là quan trọng nhất và hữu hiệu nhất để ngăn dịch lây lan. Mặt khác, một số quan chức lo ngại, khuyến cáo mới có thể khiến nhiều người Mỹ do quá lo ngại sẽ đổ xô tích trữ khẩu trang y tế, trong khi đội ngũ y tế đang thiếu hụt trầm trọng loại khẩu trang này.

CNN dẫn số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho biết Mỹ ghi nhận thêm 1.922 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 8/4, nâng tổng số ca tử vong tại Mỹ lên 14.808 người. Hiện Mỹ là nước có số người chết vì Covid-19 lớn thứ 3 thế giới, sau Italia và Tây Ban Nha.

Ít nhất 432.438 người đã mắc Covid-19 tại Mỹ tính đến thời điểm hiện tại. Mỹ cũng là nước có số người nhiễm bệnh cao nhất thế giới.