Tại Việt Nam, trên cả nước đã ghi nhận 8 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó 2 trường hợp là người Trung Quốc (1 trường họp đã khỏi); 4 người Việt Nam nhiễm nCoV trở về từ Vũ Hán; 1 người Việt Nam là lễ tân tại khách sạn có tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV.

Số trường hợp giám sát tại bệnh viện là 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút nCov. Trong đó 6 trường hợp đến từ Vũ Hán; 19 trường hợp đến từ Trung Quốc; 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài). 

Số liệu cập nhật sáng 4/2/2020. Nguồn: Bộ Y tế

Số trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV là 27 (2 trường hợp đã ra viện; 22 trường hợp tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 2 trường hợp tại Bệnh viện E; 1 trường hợp tại Bệnh viện Đống Đa).

Tính trên cả nước số người nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV là 304 người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV cho biết đặc tính của dịch bệnh do vi rút nCoV gây ra là lây lan rất nhanh.

Ban đầu, Tổ chức y tế thế giới WHO dự báo tỷ lệ tử vong có thể lên tới 3%, nhưng thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc tỷ lệ này mới ở mức 2%. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra lây lan nhanh hơn nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV. 

Theo dõi viêm đường hô hấp/viêm phổi cho các bệnh nhân được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW. Ảnh tư liệu.

Còn ở nước ta, đến thời điểm hiện tại mới có 8 người mắc bệnh và chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trong số những người mắc bệnh, chúng ta đã chữa khỏi cho 2 người (1 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM, 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa); 4 người còn lại tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển tích cực.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lan nhanh ra nhiều nước.

Cùng với sự phát triển của các thiết bị xét nghiệm mới giúp phát hiện người mắc bệnh nhanh hơn, ở trong nước có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này.

Lập bệnh viện "dã chiến" để chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết bệnh viện đã huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV. Trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện đã thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức cuộc họp khẩn lên kế hoạch lập 2 bệnh viện dã chiến phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Cụ thể bệnh viện dã chiến thứ nhất có 300 giường bệnh tại Trường Quân sự thành phố ở ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, huyện Củ Chi với ít nhất 20 giường hồi sức tích cực.  

Bệnh viện dã chiến thứ hai có 200 giường bệnh tại xã Phú Xuân, Nhà Bè có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.

Mục đích thành lập bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân mắc bệnh do nCoV khi dịch bệnh lan ra cộng đồng.  

Các bệnh viện này sẽ được sử dụng khi số ca mắc bệnh do nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện thành phố, quận huyện.