Anh Chu Văn Thường (Tuyên Quang) ngày 13/9 ôm đứa con nhỏ bé trong lòng, nói rằng đến nay không thể tin con vẫn còn ở lại với đời "như được tái sinh lần thứ hai".

15 ngày sau khi sinh, bé Thế Anh có biểu hiện khác lạ, da tím tái, không chịu ăn uống, suốt ngày quấy khóc. Tròn tháng, bé không tăng cân, ngày càng tím tái hơn. Khi ấy gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tim rất nặng, không động mạch phổi, thông liên thất, nguy cơ cao đột tử. Để mổ, bé phải khoảng 3-6 tháng tuổi cân nặng 6-8 kg trong khi hiện tại bé chỉ nặng hơn 3 kg, sức khỏe quá yếu. Các cấu trúc trong quả tim rất bé nhỏ và mỏng manh, rất dễ bị rách nát tổ chức khi trải qua phẫu thuật.

"Phẫu thuật sửa chữa toàn bộ các tổn thương trong tim ở một lần mổ vốn chỉ được thực hiện cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên", các bác sĩ nhận định. Cuối cùng, đội ngũ y tế thống nhất chọn giải pháp dùng thuốc duy trì, chờ bé tăng lên 3,2 kg sẽ phẫu thuật.

Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ chữa toàn bộ tổn thương tim cho bé trai. Ảnh: BVCC

Ca mổ được tiến hành cách nay gần hai tháng. “7 giờ phẫu thuật cho con có lẽ là khoảng thời gian dài nhất trong cuộc đời tôi”, anh Thường cho biết. Sau mổ bé bị phù phổi, đường thở ngập máu, các chỉ số sinh tồn tụt nhanh, không giữ được bão hòa oxy. Bé phải thở máy nhưng cũng không thể kiểm soát được do sũng máu trong phổi.

Để cứu bé, bác sĩ đã chuyển sang chế độ chạy hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Đây là kỹ thuật cứu cánh cuối cùng cho những bệnh nhân nặng vì có khả năng thay thế chức năng tim và phổi. "Lúc đặt máy ECMO cho bé cũng vô cùng khó khăn bởi cháu bị sang chấn về phổi", bác sĩ cho biết. Đội ngũ bác sĩ phải bóp tim ngoài lồng ngực và hai giờ sau mới đặt ECMO thành công. Bệnh nhi đến ngày thứ bảy đã hồi phục tim, phổi, không bị bội nhiễm, bác sĩ quyết định rút máy thở ngoài.

Bé Thế Anh ra viện sau mổ hai tháng. Kết quả siêu âm chức năng tim tốt, hoạt động như bình thường.

Bé trai khỏe mạnh trở lại sau khi được chạy máy ECMO. Ảnh: T.Q

Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, thành viên kíp mổ cho biết, trước khi có kỹ thuật ECMO, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp hoặc viêm cơ tim cấp chắc chắn sẽ tử vong. Hệ thống tuần hoàn ngoài thay thế chức năng của phổi, máu trong trường hợp bệnh nhân suy hô hấp. "Đây là kỹ thuật rất cao trong hồi sức, là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp khác đã không mang lại kết quả", bác sĩ Tuyên nhấn mạnh. Chi phí chạy ECMO rất cao, bệnh nhân phải tốn cả trăm triệu đồng cho mỗi lần chạy máy.

Theo bác sĩ Tuyên, tim bẩm sinh là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Khi bé ra đời, cha mẹ cần để ý con có dấu hiệu tím tái cơ thể, thở nhanh, không bú, không vận động thể lực mà vã mồ hôi nhiều... cần đưa đến cơ sở y tế để khám sàng lọc tim bẩm sinh. Phụ nữ mang thai nên đi siêu âm tim thai để phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh nếu có, từ đó có hướng xử trí phù hợp.