Cá diếc được Đông y sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ lâu với tên thuốc là tức ngư, có tên khoa học là Carassus auratus L. Theo Đông y, cá diếc có vị ngọt nhạt, tính ấm, không độc. Tác dụng bổ tỳ, vị, hành thủy, tiêu thũng, chỉ khát, làm se, sát khuẩn... được dùng trong các trường hợp sau:

Chữa tiểu đường: cá diếc 1 con, làm sạch, lá chè non 20-30g rửa sạch cho vào bụng cá, bọc giấy nhiều lần quanh cá, đem nướng chín cá, tán nhỏ chia ra làm nhiều lần uống trong ngày với nước ấm.

Cháo cá diếc giúp bổ trợ điều trị viêm đại tràng.

Chữa viêm phế quản mạn: thịt cá diếc sấy khô 50g, bột bán hạ 3g, bột gừng sống 3g, trộn đều. Uống với nước ấm.

Chữa viêm đại tràng: cá diếc 1 con, gạo tẻ 50g. Hầm mềm với gạo thành cháo, thêm gia vị, hành, rau thơm, ăn nóng.

Chữa viêm gan vàng da: cá diếc 1 con, làm sạch, bỏ ruột, nướng qua, sau cho rau má, lá mơ vào hấp chín.

Thuốc bổ huyết và dưỡng da: cá diếc 1 con, câu kỷ tử 12g, hoàng kỳ 12g, gừng sống 3 lát, hành, giấm, đường, hạt tiêu, rượu vang. Hầm nhừ ăn.

Chữa viêm loét dạ dày: bong bóng cá diếc rửa sạch sao giòn tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g hòa với nước ấm.

Chữa tăng huyết áp: cá diếc 1 con, đánh vảy, bỏ mang, ruột, rửa sạch, bột mẫu lệ 12g, ướp cá với gia vị, gừng tươi, 1 ít rượu trắng, hành khô, bột mẫu lệ trong 20-30 phút. Thêm đậu phụ, rau cải xanh, nước dùng (có thể dùng nước luộc gà) vừa đủ, nấu thành canh. Ăn hàng ngày.

Chữa viêm túi mật: lấy mật cá diếc uống với rượu.

Chữa động thai, đầy bụng, buồn nôn, nhức mỏi tay chân: sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng.