Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường.

Sữa học đường là các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Sữa học đường - sản phẩm nhận được nhiều mối quan tâm của phụ huynh. Ảnh minh họa, nguồn Vnexpress. 

Văn bản sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1/2020, quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình này bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Bộ Y tế yêu cầu phải sữa học đường phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể. Bao gồm các vi chất như vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, axit folic, vitamin K1, kẽm, đồng, i ốt, selen, phospho, magie.

Yêu cầu của Bộ Y tế về 21 vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường. Ảnh chụp màn hình. 

Nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu.

Thông tư cũng nói rõ, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường mà các địa phương đã đấu thầu (tính từ thời điểm mở thầu) cung cấp cho các Trường mẫu giáo và Tiểu học trước ngày Thông tư có hiệu lực được sử dụng cho đến hết số lượng theo Hợp đồng đã và sẽ ký hết.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa học đường có trách nhiêm kê khai số lượng nhãn và báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) trước ngày thông tưu này có hiệu lực.