Bộ Y tế: Giám sát, lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm biến thể mới, phòng dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Viện trưởng các Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về việc tiếp tục chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1) tại một số quốc gia trong khu vực.
Hiện nay là giai đoạn vào mùa Đông Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng…và một số bệnh có vaccine dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Để tiếp tục chủ động công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị Viện trưởng các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:
Thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm; tiếp tục chủ động công tác giám sát; hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây từ động vật sang người; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi tình huống xảy ra của dịch bệnh.
Tăng cường hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng (PHEOC); chủ động theo dõi thông tin dịch bệnh trong nước và quốc tế; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, các yếu tố nguy cơ và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp với các tình huống xảy ra của dịch bệnh.
Trước đó, liên quan đến công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo (lưu ý) người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Những thực phẩm tốt cho răng mà bạn nên bổ sung
Để tăng cường sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa các bệnh nha khoa, bạn nên bổ sung những thực...
Tôm kỵ với thực phẩm nào? Những điều nên tránh khi ăn tôm
Tôm là loại hải sản được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, tôm kỵ với gì thì không phải ai...
Bụng biến dạng sau khi chi 110 triệu đồng để hút mỡ, tạo hình
Chấp nhận chi số tiền lớn để làm đẹp, song người phụ nữ ở Hà Nội lại nhận được kết...
Cô gái phải cấp cứu vì một vết đốt nhỏ ở vị trí nhạy cảm
Bác sĩ Hà Việt Huy cho biết bệnh nhân bị mò đốt ở vị trí nhạy cảm, thuộc bộ phận...