Bỏ trị bệnh tim để mang thai, suýt chết cả mẹ lẫn con
Giấu bác sĩ để mang thai
Lấy chồng hơn một năm, chị P.T.H. (27 tuổi, ở H.Hóc Môn, TP.HCM) luôn khao khát có con. Tuy nhiên, chị mắc bệnh còn ống động mạch - một bệnh lý phức tạp của bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nặng không đáp ứng phẫu thuật, chị phải điều trị bằng thuốc. Bác sĩ cảnh báo chị không nên sinh con, bởi có thể gặp biến chứng và tử vong bất kỳ lúc nào. Nhưng chị H. vẫn lên kế hoạch sinh con.
Chị không đi khám sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ, dừng uống thuốc điều trị tim để mang thai. Khi biết mình có thai, chị cũng không đến bất kỳ cơ sở y tế nào để khám do sợ bác sĩ phát hiện.
Trong thời gian này, bệnh tim kèm theo tăng áp lực động mạch phổi khiến chị H. nhiều lần mệt mỏi, khó thở nhưng chị cố gắng chịu đựng. Bên cạnh đó, vì điều kiện kinh tế, chị H. vẫn đi làm tăng ca đêm nên sức khỏe ngày càng suy yếu.
Tối 19/2, khi thai nhi đã được 30 tuần tuổi, chị H. kiệt sức và được chồng là anh Trần Minh Thùy (30 tuổi) đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn TP.HCM trong tình trạng sốt cao, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán chị bị sốt siêu vi, tăng áp lực động mạch phổi nặng, nguy kịch nên chuyển chị đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.
22g cùng ngày, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận chị trong tình trạng khó thở, ngất lịm, tím tái… Bác sĩ hồi sức tích cực, trợ thở cho chị. Trong lúc mê man, chị H. liên tục van xin bác sĩ nếu phải lựa chọn, hãy cứu con của chị. Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ các chuyên khoa tim mạch, sản, sơ sinh… đã hội chẩn khẩn cấp, quyết định cố gắng giữ thai cho chị H.
May mắn, ngày 21/2, sau hai ngày điều trị tích cực, chị H. hết sốt, các sinh hiệu của thai phụ lẫn thai nhi đã đáp ứng phẫu thuật. Bác sĩ lên phương án mổ bắt con cho chị. Qua nhiều giờ căng thẳng, cả mẹ và bé đều được cứu sống. Bé trai nặng 1,25kg, được chuyển đến Khoa Bệnh lý sơ sinh để chăm sóc, phải thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch.
Nhớ lại thời khắc sinh tử, anh Thùy cho biết: “Trước khi cưới, tôi biết vợ bị bệnh tim và không thể sinh con, nên tôi chủ động kế hoạch. Tuy nhiên, do tôi là con một, gia đình hỏi thăm chuyện con cái suốt khiến cô ấy bị áp lực. Vợ giấu tôi, ngưng uống thuốc và mang thai. Khi biết chuyện, tôi vừa mừng vừa lo nhưng không biết hai mẹ con gặp nguy hiểm nhiều như vậy”.
Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe chị H. và con trai đang dần ổn định. Bé đã có thể thở khí trời, đang tập ăn sữa, nhưng vẫn phải được theo dõi kỹ phòng ngừa các biến chứng, nhất là nguy cơ di truyền tim bẩm sinh từ mẹ.
Nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng, chị H. là trường hợp rất may mắn khi hết sốt trong thời gian ngắn, và bệnh viện có cả Khoa Tim mạch, Khoa Sanh, Khoa Bệnh lý sơ sinh nên mới kịp thời cứu được cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, bác sĩ Tuyền không khuyến khích bệnh nhân tự ý bỏ điều trị.
Theo bác sĩ Tuyền, một người mắc bệnh tim bẩm sinh sức khỏe đã không được tốt, trong quá trình mang thai, tim và các cơ quan khác phải làm việc gần như gấp đôi để đáp ứng dinh dưỡng, hô hấp… cho thai phụ và thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mắc bệnh tim khi mang thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm.
Nếu tự ý bỏ điều trị tim, cũng như lơ là việc khám thai định kỳ, khi biến chứng xảy ra, mẹ và bé có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Trường hợp bé bị sinh non, thiếu tháng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như sự phát triển sau này.
Bác sĩ Trương Thị Mai Anh, Trưởng khoa Bệnh lý sơ sinh của bệnh viện, cho biết thêm, khi mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh nguy cơ di truyền bệnh tim cho con rất cao.
Theo bác sĩ Hải, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng thường gặp tình trạng phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh cố tình mang thai mà không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Tính từ đầu năm đến nay đã có hai ca được chuyển đến, đều rơi vào trường hợp phải cấp cứu.
“Nói như vậy không có nghĩa phụ nữ mắc bệnh tim thì không được sinh con. Phụ nữ thuộc nhóm bệnh tim bẩm sinh, tùy vào mức độ, triệu chứng, bác sĩ có thể phân loại bệnh, có những người mắc bệnh nhưng vẫn có thể có thai và sinh con. Vì vậy, khi đã quyết định mang thai, người bệnh nên khám tiền sản để xem sức khỏe của mẹ có đủ điều kiện mang thai không. Sau đó phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về khám thai định kỳ. Tốt nhất nên chọn cơ sở y tế vừa có khoa tim mạch và sản khoa để thuận tiện theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, tránh tai biến có thể xảy ra”, bác sĩ Tuyền khuyến cáo.
TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, những tuần gần đây...
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...