Thưa bác sĩ, năm nay em 24 tuổi. Công việc chính của em là trồng trọt, chăm nuôi. Hàng ngày, em vẫn phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cho cây trồng. Tuy nhiên khi phun thuốc trừ cỏ em lại không sử dụng bảo hộ lao động. Liệu sau này lấy vợ, sinh con có ảnh hưởng đến em bé không?

Em cảm ơn bác sĩ!

Ngọc Lâm (Ninh Thuận)

Nhiều ông bố bà mẹ thường thắc mắc liệu phun thuốc diệt cỏ có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Bác sĩ Nguyễn Quang Nhật, Khoa Phụ sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, giải đáp:

Trước hết, bạn cần biết các yếu tố nguy cơ gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Theo đó, bao gồm những nhóm nguy cơ như:

  • Mẹ lớn tuổi (trên 35 tuổi).
  • Bố và mẹ mang các bệnh lý di truyền.
  • Trong quá trình mang thai, mẹ gặp phải stress, căng thẳng cũng làm gia tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
  • Những thói quen xấu như hút thuốc lá, nghiện rượu bia, lạm dụng thuốc.
  • Ngoài ra, còn có nhóm đối tượng nguy cơ là những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, chất phóng xạ. Câu hỏi của bạn liên quan đến nhóm đối tượng này.

Theo đó, tùy theo thời gian bạn tiếp xúc với thuốc diệt cỏ không có phương tiện bảo hộ mà tác động ít hay nhiều đến sức khỏe sinh sản. Nếu bạn tiếp xúc trong thời gian dài, nguy cơ gây ra dị tật cho thai nhi sau này càng cao.

Bố mẹ tiếp xúc chất độc thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nếu không có biện pháp phòng ngừa - Ảnh minh họa: Internet

Để chuẩn bị thật tốt khi lập gia đình và có ý định sinh em bé, bạn nên chủ động đi khám sức khỏe tại bệnh viện để kiểm tra tổng quát và tham vấn kế hoạch có con của vợ chồng bạn. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại. 

Nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng - Ảnh minh họa: Internet

Thông thường, những hóa chất độc hại như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu sẽ có nguy cơ gây nên các bệnh lý về nhiễm sắc thể và đột biến gen như hội chứng đao, hội chứng thalassemia...

Đồng thời, các loại dị tật bẩm sinh khác như dị tật bẩm sinh về các cơ quan (đầu, mặt, cổ, cột sống, vùng bụng, tứ chi, đa dị tật…), dị tật chức năng các cơ quan (thính giác, thị giác…) đều có thể xảy ra dưới tác động của các chất độc, chất phóng xạ bạn cần đặc biệt chú ý.