Sáng 5/3, anh N.H.H. (40 tuổi, ngụ TPHCM) thấy mệt nên bỏ bữa ăn, vùi vào chăn ngủ thêm chút nữa. Đến khi gia đình vào phòng gọi ra ăn trưa thì phát hiện người đàn ông đang hôn mê, tay chân co giật nên đưa đi cấp cứu.

Nguy kịch sau khi bỏ ăn sáng

Bác sĩ Đặng Thị Oanh, người tiếp nhận anh H. chia sẻ, lúc vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng bất tỉnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết hạ đến mức báo động, chỉ còn 23.4 mg/dl, (bình thường 90-130 mg/dl trước ăn và 180mg/dl sau ăn). Bác sĩ xác định, người bệnh hạ đường huyết nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật nên chỉ định truyền dịch, theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp thở. 

Sau 10 phút, người bệnh hồi tỉnh, chức năng não không bị ảnh hưởng. Sau đó, anh H. được khám với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Tiếp tục kiểm tra hồ sơ bệnh án, bác sĩ nhận thấy người bệnh dù hạ đường huyết liên tục nhưng không bị tiểu đường, nên nghĩ nhiều đến việc tuyến tụy gây tiết insulin bất thường.

Người bệnh được chỉ định chụp CT đánh giá chức năng tuyến tụy. Kết quả chẩn đoán anh H. có khối u tụy nội tiết (insulinoma), với chu vi 2,43cm. Do tiết insulin quá nhiều, bệnh nhân bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u để đường huyết trở về bình thường.

Anh H. được đưa vào viện cấp cứu vì co giật, hôn mê sau khi bỏ bữa sáng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Căn bệnh 1 triệu dân chỉ 4-10 người mắc

Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy, chuyên khoa Nội tiết cho biết, insulinoma là dạng u thần kinh nội tiết hiếm gặp, với tỷ lệ mắc chỉ 4-10 ca/1 triệu người, thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi. 90% bệnh nhân mang khối u lành tính, chỉ 10% ca ác tính. Triệu chứng chính của bệnh là hạ đường huyết lúc đói.

Bác sĩ Duy giải thích, insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, với nhiệm vụ đưa glucose (đường) có trong máu đi nuôi các tế bào. Nếu không nhận được glucose, các tế bào sẽ ngưng hoạt động, gây co giật, hôn mê, hoặc nặng nhất là tử vong. Thậm chí ngay cả khi được cứu sống, các tế bào thần kinh vẫn có thể không hồi phục, khiến người bệnh rơi vào tình trạng sống "thực vật" suốt đời.

Ở người bệnh đái tháo đường, hạ đường huyết xảy ra do dùng thuốc hay tiêm insulin quá liều, ăn uống không đủ dinh dưỡng, luyện tập quá sức…

Ở người bình thường, việc dùng thuốc quinine (trị bệnh sốt rét), uống nhiều rượu, mắc bệnh mạn tính hoặc nhịn đói quá lâu… là các nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết.

Với bệnh nhân H., dù ăn khẩu phần như người bình thường nhưng do khối u làm đói rất nhanh, khiến tuyến tụy tiết ra quá nhiều insulin so với nhu cầu cơ thể. Do đó, nếu anh để bụng đói hoặc bỏ bữa cũng dễ rơi vào trạng thái run rẩy, tim đập nhanh, hôn mê, lên cơn co giật.

Bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe cho người đàn ông sau ca mổ khối u hiếm gặp (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo lời kể của chị N. (vợ anh H.), cách đây 15 năm, chồng chị từng lên cơn co giật, được đưa vào một bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Bác sĩ chẩn đoán anh bị động kinh, kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Thỉnh thoảng, anh vẫn bị co giật nhẹ, nhưng sau khi ăn uống anh hồi phục ngay. 3 tháng trở lại đây, anh bị co giật liên tục, trợn ngược mắt, khiến gia đình nghĩ anh bệnh thần kinh.

Bác sĩ Duy khuyến cáo, người dân nếu có triệu chứng đói nhanh, lúc đói tim đập nhanh, tay chân bủn rủn, nói lắp, rối loạn tri giác…, sau khi ăn thấy cơ thể hồi phục, tinh thần dễ chịu thì nên đi khám tầm soát sức khỏe. Sau thăm khám, nếu không có những biểu hiện do tổn thương não, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường tìm nguyên nhân để kịp thời can thiệp.