Tối 3/4, Bộ Y tế công bố 4 ca nhiễm Covid-19, trong đó đặc biệt đáng chú ý là BN237.

Bệnh nhân này là người Thụy Điển, nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 12/2019. Trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân đã đến thăm khám tại 3 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội là BV Việt Pháp, BV Đa khoa Đức Giang và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Ảnh minh họa

Người tiếp xúc lâu nhất với BN237 khoảng 10 phút

Ngày 3/4, trao đổi với VOV, BS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: hôm 31/3, bệnh nhân người Thụy Điển, bị ung thư máu được người nhà đưa đến bệnh viện. Khi đến viện, người này có triệu chứng chảy máu cam, không có dấu hiệu của bệnh Covid-19. Các y, bác sĩ đã chủ động khai thác tiền sử bệnh nhân, hỏi kỹ cả người nhà bệnh nhân.

Ngay sau khi có thông báo bệnh nhân dương tính với Covid-19, bệnh viện đã nhanh chóng rà soát toàn bộ y, bác sĩ có liên quan đến người này, đồng thời trích xuất camera bệnh viện.

Cũng theo BS Thường, từ ngày 28/3, 100% nhân viên y tế của bệnh viện khi tiếp xúc với bệnh nhân đều phải đeo khẩu trang y tế và đội mũ che mặt, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Tuy nhiên, vị giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho hay, việc thực hiện cách ly ngay lập tức là cần thiết.

'Có khoảng hơn 10 người tiếp xúc với bệnh nhân này, có người tiếp xúc với bệnh nhân này ngắn nhất là 20 giây, nhiều nhất 10 phút đều phải cách ly', bác sĩ Thường nói.

BS Thường cũng cho biết, bệnh nhân này lưu tại khoa Cấp cứu của bệnh viện khoảng 10 giờ nên không có bệnh nhân nội trú.

Hiện, Bệnh viện đã chuyển hoạt động của khoa Cấp cứu sang nơi khác, sau đó phong tỏa nơi này, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn, tẩy trùng theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa

Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cách ly 40 người tiếp xúc với BN 237

Tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cho biết, khi đón tiếp và tìm hiểu thông tin về bệnh nhân, các bác sĩ rất lo ngại và không loại trừ nguy cơ bệnh nhân mắc Covid-19. Vì vậy, Viện đã bố trí một lối đi riêng, đồng thời cho bệnh nhân nằm tại 1 phòng riêng.

Theo Viện trưởng Bạch Quốc Khánh, do bệnh nhân này nằm điều trị tại bệnh viện gần 1 ngày nên Viện cũng yêu cầu tất cả nhân viên tiếp xúc bệnh nhân này đều trang bị bảo hộ như tiếp xúc bệnh nhân dương tính. Bệnh viện cũng đã tiến hành khử khuẩn những nơi mà bệnh nhân đi qua và lưu trú.

'Hiện chúng tôi có khoảng 40 người thuộc đối tượng F1 tiếp xúc với bệnh nhân này. Chiều 3/4, chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp này để làm các xét nghiệm.

Hiện các đối tượng F1 đang được cách ly tại hội trường tầng 2 của viện. Ngoài ra, những trường hợp thuộc danh sách F2 cũng được cách ly riêng tại bệnh viện'- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết.

Ảnh minh họa

Tính đến sáng 4/4, Việt Nam ghi nhận 239 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 85 người được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số rất ít những quốc gia trên thế giới có ca nhiễm trên 200 người nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.

Thời điểm cách ly xã hội (đến hết 15/4), chính quyền địa phương khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết. Việc hạn chế tiếp xúc lúc này nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thông tin chi tiết lịch trình của BN237 người Thụy Điển như sau:

BN 237 là bệnh nhân nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019.

Ngày 11/3 - 21/3/2020: Bệnh nhân ở Khách sạn Ngọc Anh, cơ sở 2 - 38 Lương Văn Tuy - Ninh Bình.

Ngày 21/3/2020: Bệnh nhân đi xe X.E.Limousine từ Ninh Bình (09h30 sáng) lên Hà Nội.

Ngày 21/3 - 22/3/2020: Bệnh nhân ở Khách sạn Canary Hanoi, số 4 Vũ Hữu Lợi, Hà Nội.

Ngày 22/3/2020 đến nay: Bệnh nhân ở Khách sạn Sao (Star), số 2, ngõ 25, Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên.

Ngày 26/03/2020: Bệnh nhân bị tai nạn, được xe 115 đưa vào Bệnh viện Việt Pháp.

Ngày 30/03/2020: Bệnh nhân khám lại tại Bệnh viện Việt Pháp.

Ngày 01/04/2020: Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sau đó chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Sóc nâu (tổng hợp)