"Trung Quốc đã làm nhiều điều đúng đắn ngay từ đầu, giống bất kỳ nước nào mới phát hiện virus. Họ có thể nhìn lại và chỉ ra chỗ thiếu sót. Một số nước ứng phó rất nhanh và tránh được thiệt hại kinh tế nặng nề. Đáng buồn là Mỹ hành động yếu kém dù được trông đợi sẽ làm tốt", tỷ phú Bill Gates nói trên kênh CNN hôm 26/4 khi được hỏi về cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin Covid-19.

Bill Gates kêu gọi ngừng chỉ trích và cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch, cho rằng cáo buộc nhằm "đánh lạc hướng". "Có nhiều điều sai sót và thiếu công bằng được nói ra, nhưng đây không phải thời điểm bàn về nó. Chúng ta cần cải thiện quy trình xét nghiệm, điều trị và chế tạo vaccine, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cũng như nhiều thứ mà bạn không thể tưởng tượng", ông nói thêm.

Tỷ phú Bill Gates trong cuộc phỏng vấn hôm 26/4. Ảnh: CNN.

Phát biểu của tỷ phú Mỹ trái ngược với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc về việc che giấu dịch bệnh và nguồn gốc nCoV. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức chính quyền ông nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch và Washington đang tìm cách xác định liệu nCoV có xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Australia thậm chí tuyên bố sẽ theo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc nCoV và phản ứng ban đầu của Trung Quốc khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng khẳng định sẽ buộc Trung Quốc trả lời những "câu hỏi hóc búa" về đại dịch toàn cầu này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20/4 cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch về nCoV, cho rằng điều đó sẽ giúp thế giới hiểu rõ hơn về Covid-19 khi bệnh dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bắc Kinh nhiều lần bị nghi ngờ che giấu dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về Covid-19, khiển trách những người định cảnh báo về dịch bệnh như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, cũng như giảm nhẹ mối đe dọa của nCoV khi ban đầu thông báo virus không lây từ người sang người và không công bố số liệu ca nhiễm, tử vong thực tế.

Nghiên cứu được Đại học Southampton, Anh, công bố hồi giữa tháng 3 cho rằng đại dịch có thể được giới hạn trong khu vực và số ca nhiễm toàn cầu có thể giảm tới 95% nếu Trung Quốc hành động sớm hơn ba tuần.

Chính quyền nước này lần đầu thừa nhận về Covid-19 hôm 31/12. Tuy nhiên, dữ liệu chính phủ do báo Hong Kong SCMP tiết lộ hôm 22/4 cho thấy ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Trung Quốc có thể được ghi nhận ở tỉnh Hồ Bắc từ giữa tháng 11/2019 và giới chức y tế tỉnh này phát hiện 1-5 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đến ngày 15/12, số ca nhiễm là 27. Mức tăng hàng ngày hai chữ số được ghi nhận lần đầu hôm 17/12 và đến ngày 20/12, Trung Quốc xuất hiện 60 ca nhiễm. Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số ca nhiễm được xác nhận đã lên 266 và đến ngày đầu tiên của năm 2020, con số này là 381. Trong khi đó, cho đến ngày 11/1, cơ quan y tế Vũ Hán công bố chỉ có 41 ca nhiễm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc có thể đã biết về nCoV từ đầu tháng 11/2019. "Họ xác nhận điều này chậm với bất kỳ ai trên thế giới, bao gồm cả WHO", ông nói trong cuộc phỏng vấn của kênh Fox News hôm 23/4.

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton hôm qua cáo buộc Trung Quốc vẫn duy trì các chuyến bay quốc tế trong lúc Covid-19 bùng phát vì chính phủ nước này biết đại dịch sẽ gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế và không muốn bị cả thế giới, trong đó có Mỹ, bỏ xa trong lúc họ hứng chịu hậu quả.

Phát biểu của tỷ phú Mỹ nhanh chóng được giới chức truyền thông Trung Quốc dẫn lại. "Bill Gates chỉ trích trò chơi đổ lỗi của Trump nhằm vào Trung Quốc là chiêu đánh lạc hướng", Chen Weihua, trưởng đại diện báo China Daily tại châu Âu, viết trên mạng xã hội Twitter kèm video phỏng vấn Bill Gates. Theo giới chuyên gia, khi hứng chịu chỉ trích vì Covid-19, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã dùng mạng xã hội để thực hiện chiến thuật được gọi là "ngoại giao chiến lang" để thay đổi quan điểm trên khắp thế giới về Trung Quốc. "Chiến lang" là loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt các chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Bill Gates cũng chỉ trích quyết định đóng băng ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Trump là sai lầm.

"Chúng ta sẽ thấy một số điều WHO có thể làm tốt hơn, nhưng họ có liên kết rất chặt chẽ với Mỹ. Ở đó có nhiều quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), cũng như nhân viên từng làm việc cho CDC. Không tổ chức nào của Liên Hợp Quốc có kết nối mạnh mẽ với một quốc gia hơn là WHO với CDC", Bill Gates nói.

WHO và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đối mặt với chỉ trích về cách phản ứng với Covid-19. Mỹ cáo buộc tổ chức này đưa ra cảnh báo quá chậm, thiên vị Trung Quốc và cả tin trước dữ liệu thiếu sót họ. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso thậm chí còn gọi WHO là "Tổ chức Y tế Trung Quốc", trong khi chức Đài Loan cáo buộc WHO phớt lờ cảnh báo sớm của họ về Covid-19. Tính đến hết ngày 15/4, gần một triệu người đã ký đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. WHO phản bác hầu hết các cáo buộc, kêu gọi các nước không chính trị hóa dịch bệnh.

Năm 2019 Mỹ đóng góp lớn nhất cho WHO, khoảng hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức này, trong khi Quỹ Bill & Melinda Gates đóng góp lớn thứ hai, chiếm 9,8% ngân sách. Vợ chồng Bill Gates đã ủng hộ khoảng 250 triệu USD cho nỗ lực ứng phó Covid-19, trong đó 150 triệu USD dành cho WHO ngay sau khi Trump tuyên bố cắt ngân sách. Tỷ phú Mỹ cũng tuyên bố rót hàng tỷ USD vào tài trợ 7 nghiên cứu vaccince nCoV trên toàn cầu.  

Tuy nhiên, hoạt động từ thiện của vợ chồng Gates từ lâu đã vấp phải nhiều chỉ trích, cho rằng công việc phi lợi nhuận của họ dựa trên số tiền được miễn thuế đóng góp cho Quỹ Bill & Melinda Gates.