Phúc báo là gì? Phúc báo của một người chính là quả báo tốt đẹp đến với người đó có nguyên nhân xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ. Nói cách khác ngày hôm nay một người làm một việc làm tốt, trong tương lai một điều tốt đẹp cũng sẽ tự nhiên đến với người đó.

Làm việc thiện được phúc báo

Có người hỏi tôi: nếu có hai người cùng làm việc tốt giống nhau thì trong tương lai hai người đó cũng sẽ nhận được phúc báo giống nhau phải không? Tôi cho rằng là không phải bởi cùng làm việc tốt giống nhau nhưng xuất phát từ cái tâm khác nhau thì phúc báo cũng khác nhau. Nếu một người làm việc tốt với mong muốn sau này sẽ nhận được đền đáp thì chắc chắn phúc báo sẽ không lớn và lâu bền như người làm việc tốt mà không mong được đền đáp. Lý do vì sao vậy? Bởi vì “vạn pháp do tâm sinh”, phúc báo cũng vậy. Tâm rộng lượng thì phúc báo chắc chắn lớn. Do đó để có được phúc báo chân chính thì tâm cần phải thật rộng mở và chân thành.


Phúc báo là do tu tập hành thiện bố thí mà có được. Chúng ta nếu biết học từ, bi, hi, xả một cách chân chính tức cũng có thể làm bố thí một cách chân chính, từ đó mới có được phúc báo. Bằng không cho dù có được một chút lợi ích nhất thời thì đó cũng là một loại đau khổ, một loại áp lực chứ hoàn toàn không phải phúc báo đích thực, không thể đem đến cho bạn sự an vui đích thực. Phúc báo có được từ sự tu tập chân chính nó là tự nhiên mà đến, trong suốt quá trình phúc báo đều không đem đến cho bạn chút áp lực hay phiền não nào. Phúc báo đến tự nhiên mới là lợi ích bền vững.

Rất nhiều người nghĩ rằng bản thân mình đến việc sinh tồn còn khó khăn nên chẳng có cách nào làm bố thí cả. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Bất kì ai cũng có thể có điều kiện để làm bố thí. Bố thí không nhất định phải là ban phát, cho đi nhiều tiền tài, cái gì cũng có thể được dùng để làm bố thí. Nếu không thể bố thí bằng tiền bạc bạn cũng có rất nhiều cách để bố thí như bố thí thực phẩm, thuốc men, bố thí vẻ mặt tươi cười niềm nở, bố thí bằng lời nói (lời khuyên nhủ, khích lệ, động viên, an ủi …), bố thí bằng hành động giúp đỡ người khác, bố thí bằng nơi ở chỗ ngồi …

Cự tuyệt tà dâm được phúc báo

Vào năm Vạn Lịch triều Minh, tại phủ Trường Sa tỉnh Hồ Nam có Lục Đức Tú, năm 16 tuổi thấy hoa viên của Cố gia ở ngoại thành rất yên tĩnh, liền xin vào ở để đọc sách. Khi gia đình của nhũ mẫu Vương thị đến chăm sóc gia viên này, có Huệ Nhi là con gái của Vương thị, tuổi cũng độ 16, thấy Lục Đức Tú tuổi trẻ tài tuấn, liền pha nước dâng trà thái độ ân cần, Lục Đức Tú thấy như vậy, liền lấy lễ khách khí đối lại.

Huệ Nhi lại tưởng là Lục Đức Tú có ý với mình, cho nên vào một đêm khuya, nhẹ nhàng đi đến trước cửaphòng ngủcủa Lục Đức Tú, gọi: “Tướng công hãy mở cửa, đừng phụ tâm ý của thiếp”. Lục Đức Tú nói: “Ta là cô nam, cô là quả nữ, đêm khuya gặp gỡ, sẽ bị người khác bàn tán chê cười, nên ta không mở cửa”. Huệ Nhi nói: “Bất quá cũng chỉ có hai chúng ta, người khác làm sao biết được?” Lục Đức Tú lại nói: “Có thể giấu giếm người khác, nhưng trời thì không thể gạt được, cô hãy đi đi thôi”. Huệ Nhi đành phải đi trở về. Ngày hôm sau Lục Đức Tú đến chào Vương thị rồi lặng lẽ rời đi.

Phan Tái An là bạn đồng học cùng Lục Đức Tú, thấy thư phòng nơi này yên tĩnh không người, cũng chuyển đến để đọc sách, cùng Huệ Nhi mắt đi mày lại, cả hai đã làm ra những hành vi phi lễ. Năm ấy đến kỳ thi Hương, cha của Phan Tái An nằm mơ thấy có rất nhiều người đưa tin đi đến nhà mình, báo rằng: “Phan Tái An đã trúng cử nhân hạng hai”. Đang khi cao hứng vì tin ấy, ông lại thấy có một người khác đi tới, đoạt mất giấy báo trúng cử rồi nói: “Phan Tái An làm những việc trái đạo lý, cho nên chức cử nhân này sẽ chuyển cho Lục Đức Tú”, những người báo tin khác vội vàng giải tán.

Người cha vội níu chặt người báo tin nọ ở trong mộng rồi hỏi: “Lục tú tài là người nào?”. Người nọ đáp: “Là Lục Đức Tú bạn đồng học với con trai ngươi”. Đến ngày yết bảng, quả nhiên Lục Đức Tú trúng cử nhân hạng hai. Cha Phan Tái An vặn hỏi con trai: “Ngươi đã làm ra việc gì trái với đạo lý vậy?”. Phan Tái An đành phải nói rõ sự thật, xong hai cha con than thở, tiếc hận mãi không thôi. Lục Đức Tú năm 17 tuổi thuận lợi trúng cử đỗ cao, sau lại đậu Tiến sĩ, được vào Hàn Lâm viện, được người người đều ca tụng.

Tạo khẩu nghiệp, mất công danh

Vào thời nhà Thanh, ở vùng Nghi Hưng tỉnh Giang Tô có một vị thư sinh tên là Phan Thư Thăng. Một ngày mùa thu năm Giáp Tý thời Khang Hy, Phan nằm mộng thấy mình đi đến trước điện vua, đang lúc phát bài thi, chỉ nghe trên điện kêu tên người thứ nhất lên điện, nhưng lập tức người đó bị đá rớt xuống. Kêu tên người thứ hai chính là tên của mình Phan Thư Thăng. Tên người thứ ba, người thứ năm cũng không thấy đến. Lúc này Phan Thư Thăng lại thấy bảng vàng được treo trên tường, đứng đầu bảng chỉ ghi hai chữ: “tiếp theo” mà không thấy họ. Một lát sau, có một người mặt đỏ tháo mũ quan trên đầu xuống đội lên đầu cho Phan Thư Thăng.

Sau khi tỉnh mộng  Phan Thư Thăng cảm thấy thật kinh ngạc. Cho đến ngày công bố tên người trúng cử, tên của Phan Thư Thăng quả nhiên được nêu trên bảng, được đứng đầu bảng. Vì thế Phan Thư Thăng khắp nơi hỏi thăm người “tiếp theo” đó là ai, không bao lâu biết được đó là một người tên Phó Lộc Dã, ở Lâu huyện. Thế là Phan Thư Thăng đi hỏi thăm tin tức, và biết được Phó Lộc Dã lâu nay rất nổi tiếng về tài văn chương, lúc thi cử quan chủ khảo đúng là định tên người này đứng đầu bảng. Qua hai đợt thi, bài thi của Phó Lộc Dã đều đứng đầu, được đánh giá rất cao, nhưng không ngờ qua đợt thi thứ ba, bài thi của người này lại thất lạc không tìm thấy, vì thế quan giám khảo đành phải bỏ qua.