Biến chứng nguy hiểm, khó ngờ khi cắt amidan
Biến chứng chảy máu, sốc phản vệ
Miền Bắc đang liên tiếp hứng chịu những đợt không khí lạnh tràn về. Miền Nam những ngày gần đây tiết trời trở lạnh. Với thời tiết lạnh sâu, những người bị bệnh lý đường hô hấp rất dễ bị tái phát bệnh. Không ít người đã nghĩ đến việc cắt “ổ” amidan để thoát khỏi việc sống chung với bệnh viêm amindan mãn tính, viêm đường hô hấp.
Thậm chí nhiều cha mẹ thấy con bị viêm amidan nhiều lần là đến bác sĩ nằng nặc đòi cắt để con khỏi bị viêm. Tuy nhiên, thực tế các chuyên gia trong lĩnh vực tai mũi họng lại vô cùng cẩn trọng khi thực hiện phẫu thuật cắt amidan.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, PGS.TS Võ Thanh Quang - Giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam cho biết, tuy cắt amindan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn khi được thực hiện bởi phẫu thuật viên có tay nghề tại cơ sở y tế uy tín nhưng không nên thực hiện bừa bãi hoặc lạm dụng.
Không ít cha mẹ nằng nặc đòi bác sĩ cắt amidan cho con mà không biết phẫu thuật này tiềm ẩn nhiều mối nguy. Ảnh minh họa.
“Bởi cắt amindan cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong do chảy máu khi nhân viên y tế thực hiện không đúng kỹ thuật. Đó là khi cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được rất nguy hiểm. Chảy máu là biến chứng thường gặp khi cắt amidan”, PGS. Quang cho hay.
Theo PGS. Quang, hiện biến chứng này cũng được giảm thiểu nhờ kỹ thuật cắt bằng dao siêu cao tầng, bệnh nhân chảy máu rất ít.
Bệnh cạnh biến chứng chảy máu, bệnh nhân còn phải đối mặt với biến chứng sốc phản vệ do gây mê trước khi cắt amidan.
Trong khi đó, phản ứng trong quá trình gây mê là điều rất khó lường trước, dễ gặp ở người có tiền sử dị ứng và ngay cả khi thầy thuốc đã test dị ứng.
“Vì thế, trước khi tiến hành gây mê và phẫu thuật, bệnh nhân cần được tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cẩn thận. Với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng, chúng tôi phải cho thử dị ứng với một loạt thuốc mê khác nhau để sẵn sàng đối phó”, PGS. Quang nói.
PGS.TS Võ Thanh Quang - Giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam. Ảnh: Thu Hà
Những ai nên cắt amidan?
PGS. Quang cho biết thông thường, trẻ trên 5 tuổi mới được chỉ định cắt amidan. Nhiều trường hợp dưới 5 tuổi có amidan quá to cũng có thể chỉ định cắt. Có không ít trường hợp trên 50 tuổi vẫn cắt amidan.
PGS. Quang khuyến cáo chỉ cắt amidan trong những trường hợp bệnh nhân hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm. Ngoài ra, bệnh nhân bị áp xe, ổ amindan viêm gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.
Phẫu thuật cắt amidan phải được thực hiện hết sức cẩn trọng để tránh biến chứng. Ảnh minh họa.
Những người có amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ, hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh... cũng được chỉ định làm thủ thuật này.
Thực tế đã có trường hợp tử vong sau khi được chỉ định gây mê nội khí quản phẫu thuật nội soi xoang, cắt amidan. “Việc cắt amindan phải được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định, có thăm khám kỹ càng và điều trị đúng cách, không được thực hiện một cách tùy tiện, tránh biến cố đáng tiếc”, PGS. Quang nhấn mạnh.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...