Dịch vụ "hợp đồng" gian lận hấp dẫn sinh viên New Zealand. Ảnh: Best of sno.

ĐH Auckland và ĐH Victoria Wellington (New Zealand) nhận được thông báo từ các trang web cung cấp các dịch vụ hỗ trợ làm bài tập về nhà. Các thông báo này cung cấp bằng chứng về việc sinh viên của họ thuê dịch vụ để làm bài tập.

Theo Newshub, hành vi này được gọi là gian lận “hợp đồng”, nghĩa là có một bên thứ 3 hoàn thành bài tập cho sinh viên. Tuy nhiên, sau đó, các sinh viên sử dụng dịch vụ này bị tống tiền, buộc họ phải trả nhiều tiền hơn hoặc bị tố cáo đến các trường đại học.

TS Simon McCallum, giảng viên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH Victoria, cho biết các trang web gian lận có mặt trên khắp thế giới, cung cấp các “hợp đồng" gian lận. Thậm chí, một số trang web tuyển dụng người tại các nước hoặc các trường đại học để thực hiện hành vi gian lận. Các dịch vụ gian lận này hấp dẫn sinh viên bởi chi phí thấp, chỉ 20-60 USD.

“Đó là lý do dịch vụ này hấp dẫn với những sinh viên đang căng thẳng với những bài luận. Họ mất hàng nghìn USD để tốt nghiệp thì 60 USD không là số tiền quá đắt đỏ", TS McCallum nói.

Tuy nhiên, các vấn đề dần nảy sinh khi người cung cấp dịch vụ bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Nếu sinh viên không trả thêm tiền, họ sẵn sàng gửi các bằng chứng gian lận đến trường đại học.

“Nếu sinh viên đang có thị thực, họ đứng giữa ranh giới bị đuổi khỏi trường, rời khỏi New Zealand hoặc chấp nhận chi trả số tiền lớn để tránh rủi ro", TS McCallum nói.

Trong khi đó, các trường đại học không thể thống kê số lượng sinh viên đang sử dụng các “hợp đồng” gian lận. Một nghiên cứu của GS Cath Ellis, ĐH New South Wales (Australia), chỉ ra luôn có 6-10% sinh viên Australia gian lận trong học tập. Tuy nhiên, nhiều người không bị phát hiện.

Thông thường, các trường đại học tại New Zealand sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm tra đạo văn bằng cách so sánh bài làm với một cơ sở dữ liệu khổng lồ về nội dung để tìm những điểm tương đồng. Tuy nhiên, phần mềm này có thể không phát hiện gian lận “hợp đồng" vì đó là bài gốc do một người thực hiện. Hậu quả của việc gian lận có thể là trượt môn hoặc buộc thôi học.

Theo TS McCallum, các trường đại học cần khuyến khích sinh viên trao đổi với Hội sinh viên hoặc liên hệ với nhà trường nếu họ bị tống tiền.

“Việc tống tiền sẽ không bao giờ kết thúc. Nó sẽ tiếp tục và để lại hậu quả lớn. Vì vậy, các trường đại học cần khoanh vùng và bảo vệ những sinh viên đó", TS McCallum nói.

Trước đó, tháng 10, New Zealand Herald dẫn lời một người tố giác tại châu Phi, cho biết người này đã viết hộ hàng trăm bài luận cho sinh viên ở New Zealand. Thậm chí một số sinh viên tốt nghiệp mà không hề viết bất kỳ bài luận nào.

Tương tự, các trang tin tức của Australia cũng nhận được thông tin tố giác (được cho là cùng một người) cho biết người này đã cung cấp dịch vụ làm bài tập thuê cho hàng nghìn sinh viên nước này.

Tháng 8/2022, Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học (TEQSA, Australia) đã chặn quyền truy cập vào 40 trang web thương mại được cho là đang tạo điều kiện cho sinh viên gian lận. Các trang web này có tới 450.000 lượt truy cập mỗi tháng.

Hiện tại, cơ quan vận động chính sách các trường đại học tại New Zealand (UNZ) đang kiến nghị với Chính phủ về việc thay đổi luật, quy định các hành vi cung cấp dịch vụ gian lận là hành vi phạm tội, đồng thời chặn quyền truy cập quốc gia vào 40 website nhận viết thuê.