Làm thế nào để giảm những phiền toái do chứng ốm nghén gây ra? Hãy cùng chuyên gia tìm hiểu những thông tin bổ ích sau.

Ảnh minh hoạ: Internet

Khi mang thai các bà mẹ đều mong muốn bổ sung thật nhiều dưỡng chất để bé yêu sinh ra bụ bẫm, khôi ngô. Dù vậy trong thực tế vẫn có không ít người bị chứng ốm nghén hành hạ như sợ thức ăn, chán ăn và nôn ói. Hoặc một số bà mẹ lại chỉ thích một loại thức ăn đặc biệt nào đó và đôi khi lại có những thai phụ “thèm” những thứ mà “không” được coi là “thức ăn”. Triệu chứng này thường xảy ra vào buổi sáng trong tháng thứ nhất của thai kỳ và giảm dần vào tháng thứ tư.

Theo chuyên viên tư vấn Vũ Cẩm Vân, chứng ốm nghén khiến thai phụ chịu nhiều khó nhọc, đặc biệt là thời gian đầu mang thai. Trong khi đó đây là giai đoạn đầu phôi thai nên người mẹ rất cần được bổ sung đầy đủ hàm lượng chất dinh dưỡng. Vì vậy, khắc phục triệu chứng ốm nghén là vấn đề rất cần được quan tâm.

Sau đây là một số bí quyết giúp phụ nữ khoẻ mạnh hơn trong giai đoạn thai nghén:

-Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm bớt cảm giác khó chịu. Có thể chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ thay vì 3 bữa chính mỗi ngày.

-Không nên để bụng đói quá lâu mà hãy ăn thứ gì đó, chẳng hạn một miếng bánh quy, vào sáng sớm ngay khi vừa thức dậy.

-Uống nước chanh tươi cũng giúp phụ nữ bớt cảm giác nghén hành hạ.

-Bắp cải luộc cũng giúp giảm triệu chứng ốm nghén. Bạn có thể bổ sung món này vào thực đơn hàng ngày.

-Sau khi ăn, nên đợi khoảng 30 phút sau hãy dùng thức uống

-Tránh ăn những loại thực phẩm nhiều chất béo.

-Tránh thực phẩm có mùi dễ gây buồn nôn như thức ăn tanh, các loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Nếu quá nhạy cảm với các loại mùi trong khi mang thai, bạn cần giữ cho nhà cửa thông thoáng, không bị ám mùi thức ăn hay khói thuốc lá.

-Khi có cảm giác muốn nôn, hãy hít thở thật sâu và thư giãn.

-Uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây để lạnh, sẽ giúp bạn kịp thời bổ sung lượng đường đã mất do nôn ói.

-Trong trường hợp nôn ói khi dùng đồ uống, có thể khắc phục bằng cách ngậm những viên đá làm bằng nước lọc hay nước chanh đóng băng và để đá tan dần trong miệng.

-Khi buồn nôn, bạn hãy pha một ly trà gừng nóng bằng cách đun sôi 30 gram gừng tươi với một ly nước trong khoảng 15 phút, sau đó lọc sạch và uống từng ngụm nhỏ.

-Ngoài ra bạn cũng có thể dùng các loại trà thảo mộc làm từ hoa cúc hay hương chanh, hương bạc hà cũng chữa buồn nôn hiệu quả.

-Ngửi mùi cam, chanh hoặc quýt cũng sẽ giảm hẳn cảm giác buồn nôn.

-Nếu cần thiết bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin B6. Theo một số nghiên cứu thì phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng 75 mg vitamin B6 mỗi ngày trong suốt 3 ngày liên tục để giảm bớt triệu chứng nghén.

-Nếu thời gian ốm nghén quá lâu, kéo dài khoảng 5-6 tháng, khiến bạn không thể ăn uống để đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc việc nôn ói quá trầm trọng thì bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để khám và uống các loại thuốc có hiệu quả chống ói theo chỉ định của bác sĩ.

Một số phụ nữ khi ốm nghén thường thèm các món ăn chua, mặn, ngọt... Thực ra điều đó cũng không ảnh hưởng gì và họ có thể ăn nhiều một chút các món theo sở thích. Chỉ với những trường hợp đặc biệt  như thèm những thức ăn bất thường và không phải là dưỡng chất như gạch, đất sét, đá, quần áo… thì cần được bác sĩ kiểm tra. Đây là hiện tượng dị thực (Pica) có thể là do thiếu khoáng chất. Khi đó người mẹ cần được sự hỗ trợ của bác sĩ để không ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai mẹ con.

 

Bà bầu bị ốm nghén, vì sao?

Các nghiên cứu về sức khỏe thai phụ cho thấy, 3 nguyên nhân chính khiến thai phụ bị ốm nghén là: Hormone HCG tăng, khứu giác của bà bầu nhạy cảm hơn và sự thay đổi ở hệ tiêu hóa.

Hormone HCG (Human chorionic gonadotropin) là nguyên nhân chính gây ra chứng ốm nghén ở bà bầu. Khi mang thai, nồng độ HCG trong cơ thể người mẹ sẽ tăng lên gấp đôi, dẫn đến chứng buồn nôn, nôn ói trầm trọng.

Theo các nhà nghiên cứu, có một mối liên hệ giữa khứu giác với hormone estrogen ở nữ giới. Khi mức độ estrogen tăng lên trong 3 tháng đầu thai kỳ, khứu giác sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các mùi lạ hơn và điều này giải thích rằng tại sao chị em bầu lại hay nôn ói khi ngửi mùi lạ.

Trong thời gian đầu mang thai, mức độ progesterone tăng lên đáng kể, tác động lên tử cung để hỗ trợ phôi thai phát triển. Bên cạnh đó, progesterone còn tác động lên dạ dày, ruột và thực quản... gây ra chứng chậm tiêu hóa, tích tụ thức ăn trong dạ dày dẫn đến khó chịu, buồn nôn, nôn ói.