Mua sắm tại các siêu thị đang được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn trong những năm gần đây thay vì đi các khu chợ truyền thống. Không chỉ mang đến sự tiện lợi, đa dạng mặt hàng, có nguồn gốc rõ ràng mà việc bán với giá niêm yết và chất lượng sản phẩm tốt cũng khiến nhiều người thoải mái hơn khi mua sắm tại siêu thị vì ngại cảnh bị mua hớ, hoặc phải mặc cả.

Ngoài ra, siêu thị thường xuyên có chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Trong đó, có những món đồ thậm chí được giảm tận 50%, đây là một bài toán kinh tế tốt với người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn có không ít lần chị em xôn xao vì một số bài viết chia sẻ về những sản phẩm được “làm giá” rất mập mờ tại các siêu thị gây hoang mang cho người mua.

Dán đè tem giá mới, có mức giá cao hơn lên tem giá cũ

Việc dán đè một chiếc tem giá mới lên tem giá cũ của siêu thị có thể vì nhiều mục đích khác nhau. Nhưng nếu người mua hàng vô tình phát hiện ra giá ở tem cũ lại thấp hơn giá in trên chiếc tem mới lại là một chuyện đáng nói.

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội, topic “bóc phốt” một siêu thị đã quan tâm sự chú ý của nhiều người. Theo đó, anh T. mua sản phẩm là túi vệ sinh lồng máy giặt được đề giá 49 nghìn đồng nhưng khi vô tình xé phần tem giá này lên, vị khách này phát hiện ra một chiếc tem cũ nằm ở dưới lại có giá thấp hơn, chỉ 40 nghìn đồng.

 

Nhiều người cho rằng, việc dán đè tem này vẫn thường thấy ở các siêu thị do nhiều nguyên nhân khác nhau như mỗi sản phẩm ở lô khác nhau, lần nhập khác nhau sẽ có giá giao động hoặc do siêu thị điều chỉnh lại giá của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu có sự điều chỉnh thì siêu thị nên có một quy trình thay mới tem mác chuyên nghiệp hơn thay vì dán đè lên một cách cẩu thả gây ra sự thiếu tin tưởng với người mua hàng.

Giá được tính ở quầy thu ngân cao hơn ở kệ

Việc giá trên kệ một đường nhưng giá được tính ở quầy thu ngân lại tính một nẻo từng gây bức xúc không ít cho nhiều chị em khi đi siêu thị và thậm chí xảy ra với chuỗi siêu thị lớn, được cho là khá uy tín. Khi đi mua sắm, nhiều người thường chỉ để ý tới đơn giá được niêm yết trên kệ để lựa chọn mà không quan tâm tới giá in trên hóa đơn mua hàng. 

Một số người cho rằng, các siêu thị đã rất hiểu hành vi mua hàng này của người tiêu dùng và lợi dụng để “móc tiền" từ túi của khách. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể do thời điểm in tem giá và nhập dữ liệu giá vào máy tính khác nhau, khi đó đã sản phẩm đã có giao động về giá nên siêu thị chưa kịp điều chỉnh.

Trong khi đó, chị N.T.T (trú tại quận Cầu Giấy, Hà  Nội) cho hay: “Mình đã gặp trường hợp này 2 lần nên không nghĩ là do sơ suất trong quy trình set giá của siêu thị. Trên kệ để giá rất thấp, nhưng giá trên hóa đơn lại cao hơn. Ai mà không soát kỹ thì lại mất mấy chục nghìn ra khỏi túi. Bây giờ, mỗi lần cầm hóa đơn mình đều check rất kỹ từng hạng mục chứ không chỉ nhìn hóa đơn tổng rồi ung dung thanh toán như trước kia”.

Tăng giá để giảm giá

Nhiều người thích mua sắm tại siêu thị vì thường xuyên có nhiều chương trình giảm giá rất hấp dẫn, có khi tới 50-70% nhưng đôi khi đó lại là một cái bẫy.

Cách đây không lâu, một clip “bóc mẽ” chiêu giảm giá tại một siêu thị có tiếng tại Hà Nội càng khiến nhiều người tin chắc vào “chiêu trò” này của các nhà bán lẻ. Theo đó, trên bảng giá ghi rõ ràng giá gốc là 99 nghìn đồng, giảm giá 20% còn 79 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi kéo tờ giấy lên thì một tờ giấy khác hiện ra có in giá gốc của sản phẩm chỉ 79 nghìn đồng, tức là bằng với giá đã giảm.

Chiêu nâng giá lên rồi tạo sale để giảm xuống từng khiến dân tình xôn xao.

“Chiêu” tăng giá để rồi giảm giá là “mánh khóe” kinh doanh khá phổ biến của nhiều doanh nghiệp vì thế người tiêu dùng cần phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu giá cả thật kỹ trước khi “sa chân” vào bất kỳ khu bán hàng giảm giá nào.

Mặt hàng hay được giảm giá và thời gian giảm giá cũng đều có “bẫy”

Mua “Combo” được giá rẻ, thực chất là bán kèm sản phẩm ế: Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, nhiều siêu thị, cửa hàng áp dụng cách giảm giá hấp dẫn khi mua combo 2,3 sản phẩm. Dĩ nhiên, trong số đó, họ sẽ trộn lẫn cả những sản phẩm không đẹp, ít người mua... Ngoài ra, việc mua 5 chiếc với giá rẻ hơn 1 chiếc cũng đã kích cầu khiến họ bán được nhiều hàng hơn. 

Việc giảm giá thế nào cũng là một chiêu tính toán kỹ càng của các cửa hàng, siêu thị

“Chỉ trong ngày hôm nay”: Cụm từ này khiến cho khách hàng nghĩ rằng họ sẽ không còn nhiều và ai cũng có tâm lý sẽ chớp thời cơ để mua được hàng giá rẻ. Đánh vào tâm lý của khách, các cửa hàng và siêu thị thường xuyên tung ra chiêu khuyến mãi này.

Sản phẩm sắp hết mùa, lỗi thời: Những mặt hàng thời trang sắp hết mùa, ví dụ như loạt váy hè được bán vào dịp sắp sang mùa đông… cũng được lựa chọn để giảm giá. Điều này hướng tới các vị khách không quá bận tâm tới tính xu hướng của mùa năm sau mà chỉ thích giá thành rẻ.