Theo TS.BS. Nguyễn Văn Lâm, virus cúm đang vào thời điểm “hoành hành” trong năm khiến hàng trăm trẻ phải tới bệnh viện khám, điều trị mỗi ngày.

Đây là căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, qua giọt bắn nước bọt, dịch tiết mũi họng với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Trong khi đó, hàng rào miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện vì thế trẻ em là đối tượng rất dễ bị mắc virus này.

“Bệnh cúm ở trẻ em, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch có thể diễn biến nặng thành viêm phổi, dễ biến chứng và có thể dẫn tới tử vong”, TS. Lâm cảnh báo.

Chính vì vậy, TS.Lâm lưu ý chăm sóc trẻ bị cúm cẩn thận, đúng cách là bí kíp cha mẹ nào cũng cần nắm được trong thời điểm này.

Nếu trẻ còn bú mẹ, các mẹ hãy tích cực cho con bú để tăng sức chống chọi với virus cúm. Ảnh minh họa.

TS.Lâm lưu ý, cha mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận, đúng cách khi trẻ bị cúm.

Hạ sốt: Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹnNhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ C. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt bừa bãi vì quá liều sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến tính mạng trẻ nhỏ.

Vệ sinh đường hô hấp: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn.

Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ; súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch và vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ.

Dạy trẻ tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dinh dưỡng: Không kiêng khem quá kỹ càng. Cha mẹ hãy cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú.

Phòng lây nhiễm: Cách ly trẻ bằng cách hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, căn bệnh cúm hoàn toàn có thể dự phòng bằng một hành động đơn giản là tiêm phòng vắc-xin cúm.