Vợ chọc thủng sân gạch của chồng cũ

Ngày chị Nguyễn Thị Nga (quê ở Ninh Bình) đi lấy chồng, ai cũng bảo chị “số hưởng”. Bởi chồng chị dù không giàu nhưng cũng thuộc tuýp thanh niên chịu thương chịu khó, tính tình hòa nhã. Lấy nhau được 6 năm, họ cất được căn nhà có khoảng sân rộng để phơi thóc, vừa để bầy trẻ có sân chơi.

Thế nhưng do mâu thuẫn, rạn nứt không thể hàn gắn được, cặp vợ chồng này đã đi tới quyết định ly hôn trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Cạn tình, người vợ dùng xà beng chọc thủng sân của chồng sau ly hôn. Ảnh minh họa.

Sau ly hôn, căn nhà được tòa xử chia đôi, mỗi người đi một ngõ riêng. Tuy nhiên, cô vợ lý lẽ rằng khi xây nhà, anh chồng đi miền Nam, không góp công sức, tiền bạc nên tòa xử chia đôi nhà, chia đôi sân là không đúng.

Để hả giận, chị đã vác xà beng chọc thủng phần sân bên chồng.

Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp vợ chồng ly hôn, đấu nhau phân chia tài sản đến cùng mà luật sư Nguyễn Hưng, Công ty luật The Light, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội từng tiếp nhận.

Theo đánh giá của luật sư Hưng, phân chia tài sản sau ly hôn luôn là vấn đề khiến cả luật sư và các cặp đôi phải “nhức não”.

Chuyện người trong cuộc “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” khi phân chia tài sản, đòi từ cái chổi cùn dế rách tưởng bịa nhưng là chuyện có thật và thường xảy ra với các cặp vợ chồng ngoại tỉnh.

3 năm mới ly hôn xong vì tranh chấp 50 triệu đồng

Không chỉ người vợ mới so đo tính toán mà thực tế cũng có cả những ông chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” khi phân chia tài sản sau ly hôn. Một vụ án ly hôn “kinh điển” luật sư Hưng gặp cách đây hơn 1 tháng tại Hà Nội, mà theo anh, vụ án này khiến cả luật sư, thẩm phán phải “hại não” chạy theo người chồng.

Cặp vợ chồng trẻ lấy nhau 6 năm nay nhưng chưa có con. Người chồng làm hướng dẫn viên du lịch, vợ làm công nghệ thông tin và bán hàng online. Họ cùng mua một căn chung cư giá trên 1 tỷ đồng ở Q. Hà Đông, Hà Nội vào năm 2014.

Khi mua nhà, hai vợ chồng chỉ có một số vốn rất nhỏ, vay bạn bè 300 triệu đồng và vay ngân hàng khoảng 350 triệu đồng.

Ly hôn, chia tài sản là tranh chấp đến cùng? Ảnh minh họa. 

Mâu thuẫn bùng lên khi người chồng không chịu đi làm. Ngày nào anh cũng “thó” tiền của vợ xuống sân chung cư trà đá tán gẫu, mặc kệ vợ xoay vần với núi việc, trả nợ và lo kinh tế gia đình. Trả nợ được 100 triệu đồng, quá sức chịu đựng, người vợ đã nghĩ tới phương án ly hôn.

Tòa định giá căn nhà hơn 1 tỷ đồng, nếu lấy nhà thì trả người kia tiền và ngược lại. Thế nhưng người chồng cho rằng số tiền 100 triệu đồng đã cùng nhau trả nợ kia anh phải được hưởng 50/50, tức là 50 triệu đồng, thay vì hưởng 40/60 như tòa xử. Anh chồng còn trưng cả hợp đồng lao động để đòi chia tiền đến cùng.

“Chỉ vì số tiền 50 triệu đồng mà vụ ly hôn kéo dài. Thẩm phán phải bức xúc đặt câu hỏi tại sao chia tay nhau lại làm mất quá nhiều thời gian của tòa?Tại sao chỉ vì hơn 50 triệu đồng mà làm mất thời gian của 3 thẩm phán, 1 luật sư và 3 năm mới ly hôn xong?”, Luật sư Hưng kể.

Điều đau xót nhất là tại phiên tòa, anh sẵn sàng nói những lời cay đắng như cứa vào tim người vợ. Họ chưa có con, tài sản chẳng có nhiều nhặn để chia. Sau cuộc tranh chấp tài sản đến nghiệt ngã, chỉ còn lại người vợ với một tâm hồn cằn cỗi đầy vết thương.

Mời bạn đọc đón đọc Kỳ 4: Chồng đại gia để lại cho vợ hàng trăm tỷ sau khi ly hôn