Bệnh nhân N.C (60 tuổi) được Trung tâm cấp cứu 115 - Hà Nội - chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong tình trạng nguy kịch.

Đáng lưu ý là trước khi nhập viện bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn tại nhà, sau đó hồi phục tuần hoàn và duy trì thuốc vận mạch liều trung bình. Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức Tim mạch, trong tình trạng có phản ứng nhưng rất lơ mơ và chậm, không tiếp xúc được, huyết áp thấp, vận mạch ngày càng tăng liều lên.

Người bệnh có biểu hiện thoát mạch phản vệ, xuất hiện một số triệu chứng phản vệ nguy kịch như phù nề mí mắt và vùng mặt, xung huyết da toàn thân, khó thở, rít vùng họng.

Nhận định tình trạng bệnh nhân là phản vệ nguy kịch do một loại độc chất hoặc ăn phải thứ gì đó. Các bác sĩ quyết định cấp cứu theo hướng phản vệ nguy kịch bằng cách hồi sức dịch khối lượng lớn và dùng các thuốc vận mạch. Vài giờ sau, bệnh nhân dần hồi phục, các thuốc đã được giảm liều.

Sau cơn nguy kịch bệnh nhân cho biết mình bị một con ong đốt vào đùi. Vết đốt đau nhức dữ dội, 10 phút sau, người này choáng váng, mệt lả người, tím tái và dần mất ý thức. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch do độc tố của côn trùng gây ra.

Bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp bệnh nhân C, nếu cấp cứu theo hướng ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp bệnh nhân C, nếu cấp cứu theo hướng ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, tình trạng của người bệnh chắc chắn trở nên nặng hơn do không được hồi sức đúng. Nguyên nhân là phản vệ nguy kịch càng kéo dài, tình trạng thoát mạch càng tăng, tiên lượng hồi phục kém, bệnh nhân có thể bị suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng với các triệu chứng như: nổi mề đay, sưng, giãn mạch máu và hạ huyết áp. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc. Nếu sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Tình trạng sốc phản vệ thường bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Cơ thể sẽ tạo ra một loại protein, có tên là immunoglobulin E hoặc IgE để chống lại các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, việc phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất vô hại, chẳng hạn như một số thực phẩm nhất định sẽ gây ra các chuỗi phản ứng hóa học và kích hoạt hiện tượng dị ứng xảy ra.

Mặc dù cơ thể không thể phản ứng kịp trong lần đầu tiên tiếp xúc với những chất lạ, nhưng nó sẽ tạo ra các kháng thể trong lần tiếp theo. Khi đó, chất gây dị ứng sẽ liên kết với các kháng thể này, và cơ thể sản sinh ra nhiều histamin, dẫn đến sốc phản vệ.

Các triệu chứng của sốc phản vệ

Những triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ là ngứa ở mắt hoặc khuôn mặt. Trong vòng vài phút, chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng đáng được chú ý, bao gồm:

- Khó thở hoặc khó nuốt;
- Chuột rút;
- Đau bụng, buồn nôn, hoặc nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Nổi mề đay, ngứa, mẩn đỏ;
- Phù mạch, mạch nhanh hoặc yếu;
- Chóng mặt;
- Ngất xỉu.

Khi có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, bệnh nhân cần phải được cấp cứu ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Ngay cả khi các triệu chứng đã được kiểm soát kịp thời bằng dụng cụ tiêm tự động epinephrine, bạn vẫn nên đến bệnh viện để theo dõi các triệu chứng và đảm bảo chúng không quay trở lại một lần nữa.

Các yếu tố kích hoạt sốc phản vệ

Thực phẩm là tác nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp sốc phản vệ, bao gồm động vật có vỏ (tôm hùm), các loại hạt, hạt vừng, lòng trắng trứng, hoặc các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, nếu bị ong bắp cày hoặc các loài ong khác đốt cũng có thể gây ra sốc phản vệ.

Nếu bị ong bắp cày hoặc các loài ong khác đốt cũng có thể gây ra sốc phản vệ. Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là một số yếu tố có khả năng làm kích hoạt sốc phản vệ, bao gồm:

- Tập thể dục hoặc hoạt động ngay sau khi ăn một loại thực phẩm kích hoạt;
- Sử dụng thuốc, bao gồm penicillin, aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau opioid, thuốc nhuộm tia X;
- Truyền máu;
- Phấn hoa, và các chất gây dị ứng khác mà bạn hít phải (hiếm khi gây sốc phản vệ);
- Mủ cao su.