Theo ước tính cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, hơn một tỷ người trên toàn cầu hiện được coi là béo phì, một tình trạng liên quan đến nguy cơ gia tăng mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng và các vấn đề sức khỏe, bao gồm: huyết áp cao, bệnh tiểu đường tuýp 2, đột quỵ, rối loạn lo âu và trầm cảm, bệnh tim.

 

Phần lớn người cho rằng tình trạng béo phì xuất phát từ chế độ ăn uống cũng như lối sống không lành mạnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra béo phì có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.

Ảnh minh họa

Béo phì di truyển như thế nào?

Nghiên cứu mới từ Na Uy trên 2.000 gia đình bao gồm cả cha mẹ và con cái, đang làm sáng tỏ vấn đề “lây truyền giữa các thế hệ” của bệnh béo phì. Đó là, béo phì có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái như thế nào?

Mari Mikkelsen, Tiến sĩ và chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại UiT, Đại học Bắc Cực của Na Uy, cũng là một trong các tác giả của nghiên cứu, nói với Medical News Today: “Chúng tôi phát hiện ra rằng con cái có nguy cơ mắc bệnh béo phì ở tuổi trung niên tăng đáng kể nếu một hoặc cả hai cha mẹ sống chung với bệnh béo phì ở tuổi trung niên”.

Cụ thể, con cái có cha mẹ bị béo phì ở tuổi trung niên có nguy cơ cũng bị béo phì ở cùng độ tuổi cao gấp 6 lần so với con cái của cha mẹ có cân nặng nằm trong phạm vi BMI khỏe mạnh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một sự khác biệt nhỏ nếu chỉ có một phụ huynh bị béo phì, dựa trên giới tính của phụ huynh. Nếu bố béo phì thì con có nguy cơ béo phì cao gấp 3,74 lần. Nếu là mẹ thì khả năng xảy ra là 3,44 lần.

Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng phát hiện ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến các chỉ số đo được tương tự ở con cái họ.

BMI là chỉ số đo lượng mỡ trong cơ thể được tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng của một cá nhân. Nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 4 điểm trong chỉ số BMI của người mẹ thì chỉ số BMI của con họ tăng 0,8 điểm. Về phía người cha, cứ 3,1 điểm BMI thì chỉ số BMI của con họ tăng thêm 0,74 điểm.

Một nghiên cứu tương tự cũng từ Na Uy, được xuất bản vào năm 2016 bao gồm hơn 8.000 nhóm cha mẹ và con cái đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chỉ số BMI của cha mẹ và chỉ số BMI của con cái, lần này là trong thời niên thiếu.

Cha mẹ thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số BMI của con họ. Giống như nghiên cứu hiện tại, mối liên hệ này mạnh mẽ nhất khi cả cha lẫn mẹ đều thừa cân hoặc béo phì.

Vì sao béo phì di truyền?

Lý giải về việc béo phì có tính di truyền, tiến sĩ Mikkelsen cho biết: “Nghiên cứu hiện tại không giúp giải thích được tất cả các nguyên nhân, cả về di truyền và môi trường, mà béo phì được cho là lây truyền qua nhiều thế hệ”.

Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong bệnh béo phì. Chỉ riêng yếu tố môi trường không phải lúc nào cũng đủ để thúc đẩy béo phì. Một số cá nhân có thể dễ bị béo phì hơn do gen của họ.

Ảnh minh họa

Trước đó, một số nghiên cứu phát hiện hơn 50 gen có liên quan mật thiết đến tình trạng béo phì. Trong đó, có 3 gen rõ chức năng là: Leptin, POMC và MC4R.

Tuy nhiên, gen phổ biến nhất khiến cơ thể tăng cân quá mức vẫn chưa được xác định rõ ràng chức năng. Đó là gen liên quan đến khối lượng chất béo và béo phì (FTO).

Người mang gen này thường rất khó hạn chế được lượng calo nạp vào cơ thể, vì có thể làm tăng sự thèm ăn và giảm quá trình chuyển hóa chất. Đáng lo hơn khi loại gen FTO được tìm thấy trong 43% dân số trên thế giới. Thế nhưng, không phải ai có gen liên quan đến béo phì cũng sẽ chắc chắn bị béo phì.

Mặt khác, các yếu tố môi trường và hành vi, chẳng hạn như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, tiếp cận với thực phẩm giàu calo, căng thẳng và thuốc, cũng là những yếu tố dự báo béo phì.

Vì vậy, béo phì được mô tả là “bệnh đa yếu tố” vì nguyên nhân của nó không thể quy cho một yếu tố duy nhất.