Là một nước láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Do đó, mỗi người dân cần phải học cách phòng tránh căn bệnh này, đặc biệt trong dịp Tết.

Corona là chủng virus mới gây viêm phổi

Vào ngày 31/12/2019, những ca mắc bệnh viêm phổi lạ (viêm phổi chưa xác định được nguyên nhân) được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Đến ngày 07/1/2020, cơ quan y tế Trung Quốc đã xác định nguyên nhân gây bệnh là một chủng mới của nhóm virus Corona (một nhóm virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như SARS và Mer-CoV), được đặt tên là Novel Coronavirus ( 2019-nCoV).

Coronavirus chính là nguyên nhân gây ra bệnh SARS và MERS- CoV - Ảnh minh họa: Internet

Theo số liệu thống kê ngày 20/1, của tổ chức Y tế thế giới WHO, đã có 282 ca bệnh nhiễm 2019-nCoV tại 4 quốc gia bao gồm: Trung Quốc (278 ca – 6 ca đã tử vong), Thái Lan (2 ca), Nhật Bản(1 ca) và Hàn Quốc (1 ca).

Triệu chứng bệnh viêm phổi lạ

Người nhiễm 2019-nCoV có các triệu chứng cấp tính bao gồm: Ho, sốt, khó thở.

Bệnh có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, thậm chí tử vong. Đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính ( như tăng huyết áp, đái tháo đường…) hoặc suy giảm miễn dịch.

Cách điều trị bệnh viêm phổi lạ

Theo WHO, hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin cho bệnh gây ra bởi nCoV. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng có thể được điều trị và dựa trên lâm sàng của người bệnh. Bên cạnh đó, chăm sóc hỗ trợ cho người nhiễm bệnh có thể có hiệu quả cao.

Phòng tránh lây bệnh viêm phổi lạ bằng cách nào?

Để chủ động phóng tránh bệnh viêm phổi lạ (2019-nCoV), WHO và Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, người có những triệu chứng cảm cúm hoặc cảm lạnh. Nếu cần thiết phải tiếp xúc, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách.

Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Rửa tay ngay khi: 

- Sau khi ho, hắt hơi

- Sau khi chăm sóc người bệnh

- Trước, trong và sau khi chế biến thức ăn

- Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh

- Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy ăn hoặc khăn vải, khăn tay để làm giảm sự phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Nấu chín kỹ thịt và trứng

Hạn chế tiếp xúc với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Các cách phòng chống lây bệnh do Coronavirus theo hướng dẫn của WHO - Ảnh minh họa: Internet

Thường xuyên cập nhật tình hình bệnh, những địa điểm ghi nhận các ca bệnh mới. Nếu bản thân hoặc người thân có tiếp xúc với những người đi từ những vùng trên về, cần theo dõi trong vòng 14 ngày, khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, trong những ngày tết nguyên đán, nên hạn chế đến chỗ đông đúc hay đi du lịch tại những vùng có người nhiễm bệnh.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội