Bệnh đứng đầu bảng ung thư 

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất và cũng là ung thư gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 174.000 người mắc mới và 160.000 người tử vong. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ở nam khoảng 29,6/100.000 người đứng hàng thứ 2 trong ung thư ở nam giới, sau ung thư gan và là một trong bốn loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới với tỷ lệ mắc 7,3/100.000 dân.

Sáng 1/5, nghệ sĩ Lê Bình đã qua đời sau hơn 1 năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Sinh thời, nghệ sĩ từng chia sẻ mình là người hút nhiều thuốc lá và có lẽ đây chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư ác tính này.

Bà Nguyễn Thị H. (69 tuổi, trú tại ngoại thành Hà Nội) phát hiện ung thư phổi từ cuối năm 2018. Bà H. cho biết trước khi phát hiện ra bệnh bà thấy đau ngực, ho khan nhiều, điều trị các thuốc nội khoa không đỡ. Bà H. cũng được khám nhiều bệnh viện không đỡ, chụp CT lồng ngực có nốt mờ thùy dưới vùng ngoại vi phổi phải.

Ung thư phổi ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa: Internet

Bà H. bị chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến của phổi xâm lấn cơ hoành phải và bác sĩ điều trị bằng thuốc nhắm đích.

Tuy nhiên, không may mắn như trường hợp của bà H., một đồng bệnh của bà H. đã qua đời được 2 tuần cùng đợt điều trị với bà H. Tuy nhiên, bệnh nhân này không thể điều trị đích do mắc ung thư phổi tế bào nhỏ. 

Trường hợp ông Lại Cảnh Ng. (quê Thái Bình, 70 tuổi)nhút thuốc lào 50 năm. Trước tết, ông Ng. bị ho, đau tức ngực. Mỗi lần ho, cảm giác như ngực co rút lại. Vì nghĩ bị cảm lạnh do đi làm ruộng về nên ông Ng. chỉ uống thuốc cảm cúm. Qua Tết, gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám bác sĩ chụp Xquang nghi ngờ ung thư phổi giai đoạn cuối nên giới thiệu ông Ng. lên bệnh viện tuyến trên kiểm tra lại.

Kết quả, bác sĩ chẩn đoán ông Ng. bị ung thư phổi tế bào biểu mô tuyết và bệnh đã di căn sang xương. Gia đình đã từ chối điều trị về nhà để uống thuốc nam. Sau 2 tháng, tình trạng bệnh nhân đau nhiều hơn nên gia đình đưa nhập viện điều trị giảm đau cho bệnh nhân. 

Ung thư phổi di căn nhiều cơ quan 

Theo GS Mai Trọng Khoa, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, ung thư phổi là 1 trong 2 bệnh ung thư ác tính và đứng đầu ở nước ta sau ung thư gan. Ung thư phổi thủ phạm 90% là thuốc lá và hầu như nam giới mắc bệnh này đều có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. 

GS Mai Trọng Khoa - Ảnh: Internet

GS Khoa cho biết tế bào ung thư phổi âm thầm phát triển trong cơ thể và khi có dấu hiệu của bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn xa, xâm lấn các cơ quan khác. Tế bào ung thư di căn lên não, lên xương, gan và các bệnh nhân đều nhanh chóng tử vong. Một vài trường hợp được điều trị tích cực để giảm đau và kéo dài cuộc sống. Còn tỷ lệ điều trị thành công trên 5 năm vẫn rất ít ỏi.

"Trong ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15%. Ung thư tế bào nhỏ thường di căn mạnh và sớm hơn. Bệnh nhân mắc ung thư này thường chỉ sống được khoảng năm đầu khi phát hiện. Ung thư phổi không tế bào nhỏ tiên lượng tốt hơn, nhưng trong đó có ung thư biểu mô tuyến ngày càng có tỉ lệ gia tăng. Hiện nay, nghiên cứu sinh học phân tử mở ra nhiều phương thước điều trị phân tử đem lại kết quả cao", GS Khoa thông tin.

GS Khoa cho biết đặc điểm của ung thư phổi giai đoạn tiến triển là thường di căn vào não, xương, tuyến thượng thận… Khoảng 60-70% các trường hợp ung thư di căn não là từ ung thư phổi.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, tình trạng toàn thân. Giai đoạn sớm có thể phẫu thuật và điều trị hóa chất, xạ trị bổ trợ, khi bệnh ở giai đoạn muộn thì điều trị bệnh là sự kết hợp của đa phương pháp (xạ trị, hóa chất, xạ phẫu, điều trị đích, chăm sóc triệu chứng).

Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, theo GS Khoa cho rằng ho là dấu hiệu chính. Ban đầu bệnh nhân có thể ho khan. Khi ung thư đã vào giai đoạn muộn thì xuất hiện ho ra máu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như đau xương, đau lưng, đau đầu, hạch cổ do tế bào ung thư di căn. Chính vì thế, bác sĩ Khoa khuyến cáo khi có dấu hiệu ho không rõ nguyên nhân từ 2 – 3 tuần người bệnh nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra sàng lọc sớm ung thư phổi.