Bệnh tay chân miệng ở trẻ em: Căn bệnh không bao giờ ‘cũ’
Nội dung bài viết:
- Bệnh tay chân miệng là gì?
- Nguyên nhân bệnh tay chân miệng
- Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Phân độ bệnh tay chân miệng
- Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
- Triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần nhập viện
- Một số yếu tố tiên lượng bệnh nặng
- Cách trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Cách phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột (Enterovirus) gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.
Nguyên nhân bệnh tay chân miệng
Tác nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em là các virus đường ruột (enterovirus), trong đó thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71)
Người là nguồn lây duy nhất. Nguồn lây chính từ nước bọt, bóng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Đường lây truyền trực tiếp từ người sang người, virus không lây truyền qua gia súc, vật nuôi.
Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa và có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng của người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với các chất tiết của bệnh nhân trên đồ chơi, bàn ghế, dụng cụ sinh hoạt, nền nhà...
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em rất đặc trưng và thường diễn tiến qua 4 giai đoạn như sau:
Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng là từ 3 đến 7 ngày. Giai đoạn này thường không biểu hiện gì đặc biệt và phụ huynh cũng không biết trẻ bị bệnh.
Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn khởi phát kéo dài 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Triệu chứng khởi phát thường gặp nhất là sốt và đau họng.
Giai đoạn bệnh toàn phát, cũng là giai đoạn đặc trưng nhất của bệnh. Giai đoạn này có thể kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng sau:
Loét miệng: xuất hiện ngay sau sốt, lúc đầu nốt ban màu hồng hoặc đỏ, sau đó chuyển thành mụn nước có đường kính nhỏ 2 - 4mm, cuối cùng mụn nước vỡ tạo thành vết loét gây đau, chảy nước miếng, ăn uống kém.
Vị trí vết loét hay gặp ở phần sau khoang miệng, lưỡi gà, amidan hoặc vòm họng. Đôi khi vết loét lan tới vùng môi má và vết loét kéo dài hàng tuần lễ gây khó chịu cho trẻ
Phát ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng đầu gối, vùng mông, dưới da hoặc nổi cộm trên da, không đau, không gây ngứa. Thường tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 1 tuần) sau đó lành và để lại vết thâm trên da, không loét như ở miệng.
Giai đoạn khỏi bệnh: thường từ 3 - 5 ngày sau khi sốt và phát ban tay chân miệng đặc trưng, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng đặc biệt.
Phân độ bệnh tay chân miệng
Với các triệu chứng trên, bệnh tay chân miệng được phân ra thành 4 độ theo mức độ nặng tăng dần từ độ 1 đến độ 4. Riêng độ 2 được chia thành 2a, 2b nhóm 1 và 2b nhóm 2
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể tự khỏi, không để lại di chứng gì cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh sẽ rất nguy hiểm với các biến chứng sau:
- Biến chứng thần kinh: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
- Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
- Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
- Rung giật nhãn cầu.
- Yếu, liệt tứ chi (liệt mềm cấp), liệt dây thần kinh sọ não.
- Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn dẫn đến tử vong.
- Biến chứng tim mạch, hô hấp: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy tim mạch.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần nhập viện
Bệnh tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại thắc mắc không biết trẻ bị mắc tay chân miệng khi nào cần nhập viện?
Khi thấy trẻ có triệu chứng nghi ngờ tay chân miệng cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý những triệu chứng bệnh tay chân miệng thể nặng dưới đây:
Quấy khóc liên tục kéo dài
Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 - 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ khóc vì bị đau do các nốt lở loét trong miệng. Nhưng thực tế, đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
Sốt cao liên tục không hạ
Khi bệnh tay chân miệng trẻ em trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38.5 độ C liên tục hơn 48 giờ và không đáp ứng thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm độc thần kinh. Khi đó, trẻ cần được điều trị hạ sốt tích cực tại các cơ sở y tế.
Hay giật mình
Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.
Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
Một số yếu tố tiên lượng bệnh nặng
- Tuổi mắc càng nhỏ bệnh càng nặng
- Sốt cao trên 39 độ C
- Sốt kéo dài trên 3 ngày
- Có triệu chứng ngủ gà, li bì
- Đặc biệt là trẻ không có loét miệng hoặc chỉ phát ban trên da và không hoặc ít bóng nước. Tay chân miệng càng nặng càng ít có phát ban bóng nước, vì vậy khi thấy trẻ phát ban nóng nước nhiều thì cha mẹ đừng quá cuống lên, đây lại là một dấu hiệu “khả quan” trong bệnh tay chân miệng.
Cách trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Khi phát hiện một số biểu hiện của bệnh, đặc biệt là các dấu hiệu nguy hiểm đã được nêu trên thì phụ huynh các bé nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo phác đồ của Bộ Y tế và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp bé bị sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối sinh lý để sát trùng niêm mạc cho trẻ.
Về chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ…
Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần vệ sinh da cho bé nhằm tránh bội nhiễm vi khuẩn bằng cách: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh, lá chân vịt… Sau khi tắm, sử dụng dung dịch sát trùng để bôi lên các bóng nước trên da.
Lưu ý cần theo dõi bé thường xuyên để phát hiện sớm, đưa đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị thích hợp
Cách phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhất là trước khi cho ăn uống, cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh và thay tã cho trẻ.
Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi.
Đảm bảo các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng.
Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Không nhai, mớm thức ăn cho trẻ.
Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi.
Không để trẻ dùng chung khăn tay, khăn giấy, các vật dụng ăn uống như cốc, chén, thìa, bát đĩa, đồ chơi...
Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn/ghế...bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tay chân miệng.
Trong 10 - 14 ngày đầu khi nhiễm miệng, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi, chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cẩn thận để phòng ngừa biến chứng. Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...