Bệnh sán lợn mà gần một trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm nguy hiểm đến mức nào?
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sáng ngày 15.3, đã có 230 trẻ tại xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh được gia đình đưa tới bệnh viện khám, xét nghiệm máu để xem có bị nhiễm sán lợn.
Đến chiều 15.3, Bệnh viện đã chạy xong 173 mẫu và qua kiểm nghiệm, xét nghiệm huyết thanh, xác định 44 trường hợp có biểu hiện đã từng nhiễm sán lợn (chiếm 25%). Còn hơn 50 mẫu xét nghiệm nữa sẽ có trong ngày mai.
Cùng ngày, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương cũng đã xét nghiệm về sán lợn cho 135 trẻ cũng ở xã Thanh Khương và phát hiện 13 mẫu dương tính với bệnh sán lợn. Trước đó, tại 2 viện này cũng đã có nhiều gia đình trú tại xã Thanh Khương đưa con đến khám và 5 trẻ cũng đã dương tính với bệnh sán lợn. Tổng cộng, số trẻ tại xã Thanh Khương bị nhiễm sán lợn hiện lên đến 62 cháu.
Từ cuối tháng 2, một số phụ huynh tại xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đăng tải clip ghi lại món thịt lợn nổi những điểm trắng, nghi có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại Trường Thanh Khương.
Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời vòng vo, không thỏa đáng. Đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành khẳng định thịt lợn không có bất thường gì.
Tuy nhiên, cha mẹ có con học ở trường này đã hoang mang và đưa con đi khám. Kết quả ban đầu cho thấy 62 trẻ nhiễm sán lợn đã gây sốc cho nhiều người.
Về nguồn gốc lây bệnh sán lợn, GS Kính cho biết nguyên nhân cụ thể sẽ phải do các đơn vị chức năng xuống địa phương kiểm tra cụ thể. "Nếu thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nếu không được nấu chín có thể khiến người ăn nhiễm sán lợn" - GS Kính cho biết.
Trước sự hoang mang sợ hãi của cha mẹ có con nhiễm bệnh, GS Kính trấn an, bệnh sán lợn không phải bệnh cấp tính, có thể điều trị ngoại trú. "Với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết"- GS Kính nói.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ký sinh trùng sán lợn có nằm trong đất, trong nước, thực phẩm. Nếu thực phẩm, nước nhiễm sán lợn mà không được nấu chín, đun sôi thì người ăn có thể bị nhiễm bệnh.
Hoặc nếu ký sinh trùng nằm ở tay bẩn, nếu đưa vào miệng có thể bị nhiễm bệnh. Tùy thuộc người ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng sán lợn, sẽ có thể mắc các thể bệnh như bệnh ấu trùng sán lợn, bệnh sán trưởng thành ở ruột.
Với bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…, trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
“Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù”, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.
Bệnh sán trưởng thành ở ruột sẽ tồn tại ở người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo hệ bài tiết ra ngoài.
Theo PGS Phu, để điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, cần phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân:
- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không bảo đảm vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...