Đây là câu chuyện về mục tiêu mà ngày nhỏ cha mẹ tôi đặt ra cho tôi, cha tôi không đòi hỏi tôi phải đứng đầu lớp, nhưng phải là học sinh giỏi và trong Top 5. Tôi đã làm hài lòng cha tôi trong suốt 10 năm học.
Tôi nghĩ rằng ngoài tôi cũng có nhiều bạn khác được cha mẹ đặt mục tiêu như vậy. Liệu cách đặt mục tiêu này có gây áp lực hay làm giới hạn tiềm năng của con bạn?
Một báo cáo của TS. Poorinma tại ĐH Oxford đã phân loại những ông bố bà mẹ thành 3 kiểu phụ huynh như sau:
- Mong muốn con đạt được mục tiêu của bản thân mình
- Mong muốn con đạt được mục tiêu của bản thân con
- Con muốn làm gì thì làm.
Tương ứng với 3 dạng người con trưởng thành trong tương lai:
- Chênh vênh không biết làm gì
- Luôn tìm thấy mục tiêu và cơ hội để làm
- Cái gì cũng muốn, nhưng không bao giờ làm
Những điều cần dạy trẻ về mục tiêu
Ngày nay, khi có quá nhiều điều kiện cho sự phát triển thì việc giúp trẻ ăn tốt, ngủ ngoan, học hành ở lớp vẫn chưa đủ. Việc phát triển kỹ năng về lối sống và nhận thực có mục tiêu và định hướng là điều rất quan trọng.
Khi trẻ có định hướng tốt về mục tiêu, trẻ sẽ tự chăm sóc bản thân được, trẻ biết suy nghĩ nên ăn gì, làm gì, giao lưu với ai và nên học gì. Còn nếu nhận thức mục tiêu của trẻ quá thấp, trẻ chỉ loay hoay hoặc chênh vênh về cuộc đời.
Nếu may mắn đến gần 40-50 tuổi mới tìm được điều muốn làm, hoặc sống 1 cuộc đời cố tìm câu trả lời “Làm gì để có nhiều tiền?", "Làm sao để hạnh phúc"....
Để giúp trẻ hiểu và học về mục tiêu, bạn cần giúp trẻ thực hiện 3 bước:
Bước 1: Xây dựng ý thức mục tiêu
Tất cả các bé dưới 16 tuổi chưa đủ ý thức để có mục tiêu. Tuy nhiên có 2 đặc điểm cha mẹ nên khai thác: Chú ý và thích khám phá. Nếu biết khai thác tốt, trẻ sẽ phát triển ý thức mục tiêu sớm khi bước sang sinh nhật lần thứ 16.
Ví dụ: Trẻ học tiếng Anh. Lúc này, trẻ chưa đủ ý thức học tiếng Anh là cơ hội nghề nghiệp cao, du học mở cửa. Tuy nhiên, trẻ sẽ biết tiếng Anh cho những nhu cầu cơ bản như đọc sách, chơi game, nói chuyện với bạn nước ngoài.
Ngoài ra sẽ thích khám phá câu chữ tiếng Anh trong bài hát, trong trò chơi, giọng điệu khác nhau từng vùng miền, đố vui.
Cách giúp cha mẹ khai thác: Tăng môi trường để trẻ nhận biết (mua sách theo sở thích, độ tuổi) và hướng trẻ về 1 game đố vui, 1 sở thích nghe nhạc, 1 bộ phim hoạt hình yêu thích, đố vui cách nói tên các nước, lá cờ mỗi quốc gia. Tạo môi trường này như 1 lịch trình mỗi ngày hoặc mỗi 2-3 ngày/ tuần.
Bước 2: Giúp trẻ cảm thấy tự hào ở từng bước
Nhà truyền thông nổi tiếng người Mỹ, Karen Salmansohn từng chia sẻ: “Đừng để trẻ đến đích rồi mới cảm thấy vui, tại sao không cho trẻ vui với từng bước dẫn tới đích.”
Mục tiêu A là tích góp của niềm vui và khao khát của A1, A2…An. Để A1- vui – A2 -…An vui. Bạn hãy chia nhỏ mục tiêu của trẻ thành n thứ để trẻ có mục tiêu A.
Giá trị của nguyên tắc này là hạn chế trẻ bỏ cuộc, và tăng sức mạnh của khao khát.
Ví dụ trẻ học môn toán:
Mục tiêu A: Cộng và trừ từ 1-10, sẽ cần A1, A2, A3
Cách cha mẹ làm:
Mục tiêu A1: Điền 1 số còn thiếu vào dãy số sau theo thứ tự của nó
0-> 1 –> 2-> 3 -> ? -> 5 ->6 -> 7 -> 8 ->9 -> 10
Mục tiêu A2: Điền được 2 số thiếu vào dãy số sau theo thứ tự của nó
0-> 1 –> 2-> 3 -> ? -> 5 ->6 -> 7 -> ? ->9 -> 10
Mục tiêu A3: "Con nhảy theo mẹ nói và cho mẹ biết con ở số mấy?"
Vẽ cây thước trên sân. Trẻ đứng ở số 3, yêu cầu trẻ nhảy 2 bước, hỏi trẻ đứng số mấy, trẻ sẽ trả lời là số 5. Cứ như vậy trẻ sẽ học được khái niệm "cộng".
0->1 –> 2-> 3 -> 4 -> 5 ->6 -> 7 -> 8 ->9 -> 10
Cứ mỗi mục tiêu, mỗi lần trẻ làm đúng thì khen và khích lệ trẻ. Cứ xong – thuần phục 1 mục tiêu, thì bạn hãy nói: "Ngày mai Mẹ con mình có trò này vui hơn trò này nhiều, con có muốn chơi không?"
Bước 3: Giúp trẻ biết được điều gì đã trải nghiệm
Đây là cách để trẻ chuyển tiếp từ trải nghiệm thành khái niệm, cũng là cách mà trẻ nhận ra những điều làm trẻ hứng thú hay không hứng thú để đến mục tiêu.
Trẻ cũng sẽ cho bạn biết điều gì sẽ làm tốt hơn cho lần sau. Cái này gọi là tự đánh giá bản thân, điều không thể thiếu cho hình thành mục tiêu.
1. Bạn chỉ cần hỏi trẻ những câu hỏi về trải nghiệm theo mô hình Gibbs như:
2. Hôm nay con làm gì nào?
3. Con vui không? Có cái nào con không vui lắm
4. Tại sao con vui? Điều gì làm con không vui?
5. Con làm gì để vui hơn nè? Con nghĩ mẹ con mình làm gì để bớt cảm giác chán đó nhỉ? Chúng ta thử làm nhé!
"Được rồi, bây giờ mẹ cho con 3 khuôn mặt (cười), (buồn), (bình thường). Theo con, con sẽ nghĩ hôm nay con như thế nào, hãy chọn dán lên bảng này cùng mẹ nhé. Mẹ đếm từ 1 đến 3 và hai mẹ con mình cùng dán lên nhé!".
Như vậy, cách cha mẹ dạy trẻ sống có mục tiêu không phải là đưa ra mục tiêu của mình và bắt trẻ thực hiện, chúng ta không có quyền tác động vào cuộc sống và suy nghĩ của con trẻ.
Dạy trẻ sống có mục tiêu là giúp trẻ có công cụ để hạnh phúc trên con đường và cuộc sống của mình. Việc chúng ta cần làm là hãy dạy dỗ trẻ trong tình yêu thương.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)