Bệnh nhân D. có tiền sử suy tim, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, đã đặt stent động mạch vành. Gần đây, ông cảm thấy đau bụng vùng hạ sườn, nên đi khám phát hiện ung thư gan trái. Do tình trạng bệnh quá nặng nên ông được chuyển đến BV Đà Nẵng tiếp tục điều trị.

Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa phát hiện có khối u gan trái lớn, kích thước khoảng 5x5 cm, cứng chắc. 

Ngoài ra, bệnh nhân còn được chẩn đoán hở van tim 2 lá, van tim 3 lá và van động mạch chủ, chỉ số phân suất tống máu thất trái (EF) chỉ 25% (người bình thường nằm trong khoảng 50-70%).. Bệnh nhân đã được hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Nội tim mạch và Tim mạch can thiệp, phối hợp điều trị trước và sau khi tiến hành phẫu thuật.

Sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tốt. Ảnh: BVCC

Sau khi điều trị bệnh lý tim mạch cơ bản ổn định, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa và Gây mê hồi sức tiến hành gây mê và phẫu thuật cắt gan trái cho bệnh nhân, nhờ phương tiện gây mê hồi sức hiện đại, áp dụng kỹ thuật gây mê tiên tiến và kỹ thuật mổ của phẫu thuật viên ca phẫu thuật đã thành công sau hơn 2 giờ.

ThS. BS Trần Văn Nghĩa, Khoa Ngoại tiêu hóa, BV Đà Nẵng (người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật) cho biết, cắt gan là một phẫu thuật phức tạp lại tiến hành trên nền bệnh nhân suy tim, đã đặt stent mạch vành, chỉ số phân suất tống máu thất trái (EF) của bệnh nhân thấp, đang điều trị thuốc chống đông và nhiều loại thuốc hỗ trợ khác nên nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao. 

Vì vậy, phẫu thuật viên cần tránh tối đa việc mất máu nhiều và tránh truyền dịch quá lớn trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng. Ekip phẫu thuật và gây mê phải tính toán kỹ lưỡng chuẩn xác, tiến hành nhanh chóng, rút ngắn thời gian phẫu thuật, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

ThS.BS Phan Trọng Nhân, Khoa Gây mê hồi sức, BV Đà Nẵng cho biết thêm, kiểm soát đau và vận động sớm hết sức quan trọng, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. 

Vì nguy cơ chảy máu trên bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông, các bác sĩ gây mê hồi sức quyết định áp dụng giảm đau đa mô thức với gây tê thần kinh ngoại biên dưới hướng dẫn của siêu âm.

"Bệnh nhân được kiểm soát đau tốt, do đó ngày thứ nhất sau phẫu thuật bệnh nhân vận động sớm với sự hỗ trợ của Khoa Phục hồi chức năng, sau 3 ngày chăm sóc tại Phòng hồi tỉnh, khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân đã có nhu động ruột và đi lại vận động bình thường", Bs Nhân cho biết thêm.

Hiện tại, bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, liền da tốt, có thể ăn uống và đi lại.