Câu trả lời ngắn gọn là đối với hầu hết người trưởng thành bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư là: Cần tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng nên xin ý kiến tư vấn của bác sỹ điều trị ung thư trước khi tiêm chủng. Loại ung thư và phương pháp điều trị của bệnh nhân sẽ là một yếu tố để xem xét. Bác sỹ điều trị ung thư sẽ thảo luận về rủi ro, lợi ích, lịch trình và những điều bệnh nhân ung thư nên lưu ý trước khi tiêm liều vaccine đầu tiên.

Tác dụng phụ của vaccine: Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi và đau nhức cơ. Sốt và ớn lạnh cũng có thể xảy ra, đặc biệt là sau tiêm liều thứ hai. Sau tiêm phòng, một số người có thể nổi hạch bạch huyết, thường xảy ra nhất ở dưới cánh tay hoặc ở cổ bên cạnh chỗ tiêm chủng. Vì ung thư cũng có thể gây ra hạch to nên điều quan trọng là bệnh nhân ung thư phải nhận ra đây là một tác dụng phụ có thể xảy ra và thường không phải là dấu hiệu cho thấy ung thư của họ đang tiến triển. Các hạch to thường mềm khi chạm vào và sẽ tự biến mất, nhưng đôi khi có thể kéo dài trong vài tuần. Bệnh nhân nên liên hệ với bác sỹ của mình nếu các hạch to không giảm đi trong vòng 3 - 4 tuần sau khi tiêm liều vaccine thứ hai.

Thời điểm tiêm vaccine và điều trị ung thư: Nếu có sẵn vaccine, có thể trì hoãn việc bắt đầu một số phương pháp điều trị ung thư không khẩn cấp cho đến khi hoàn tất việc tiêm chủng. Tuy nhiên, không nên trì hoãn hầu hết các phương pháp điều trị ung thư để đợi tiêm chủng. Bác sỹ điều trị có thể tư vấn về thời gian tiêm chủng liên quan đến việc điều trị ung thư của bệnh nhân.

Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là những bệnh nhân ung thư sau khi tiêm vaccine đủ liều, cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác, tuyệt đối không được chủ quan.